Gia Lai: Tọa đàm về nhu cầu, thị hiếu và thị trường trong và ngoài nước
Sáng 8-11, tại TP. Pleiku, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Vụ thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công thương); Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức tọa đàm cập nhật thông tin về nhu cầu, thị hiếu, phổ biến quy định thị trường trong và ngoài nước.
Tham dự và chỉ đạo tọa đàm có ông Lê Thanh Hòa-Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT); đại diện lãnh đạo Vụ thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công thương). Buổi tọa đàm còn có sự tham gia của đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đăk Lăk, Lâm Đồng, Kon Tum, TP. Hà Nội, Yên Bái, Nghệ An, An Giang; đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh; cùng 50 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Theo thông tin từ của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước trong 10 tháng năm 2024 ước đạt 51,74 tỷ USD (tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023). Các nước Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Trong những sản phẩm có giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD có các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên như: hồ tiêu 1,12 tỷ USD (tăng 48,2% so với cùng kỳ năm 2023), cao su 2,54 tỷ USD (tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023), điều 3,6 tỷ USD (tăng 22,1%), cà phê 4,6 tỷ USD (tăng 40,1%) và rau quả 6,34 tỷ USD (tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2023).
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lê Thanh Hòa- cho biết: Thực hiện kế hoạch Phát triển thị trường và xúc tiến thương mại nông sản năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong đó các hoạt động hỗ trợ kết nối thông tin, phổ biến các quy định về thị trường là nhiệm vụ trọng tâm. Buổi tọa đàm sẽ cung cấp các nội dung như: thông tin tổng quan tình hình xuất-nhập khẩu nông sản của Việt Nam năm 2024; các quy định thị trường, xu hướng, nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng nông sản tại khu vực thị trường trọng điểm; quy trình, yêu cầu đưa hàng hóa nông sản vào kênh bán lẻ hiện đại; tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; thông tin về khả năng cung ứng các nông sản chủ lực cũng như thông tin về một số thị trường tiềm năng... Việc phổ biến, cập nhật thường xuyên và định kỳ từng thời điểm sẽ rất cần thiết cho việc định hướng chiến lược sản xuất của doanh nghiệp. Đối với các cơ quan chức năng sẽ có những chính sách phù hợp, đồng hành cùng doanh nghiệp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giao thương, mua bán, xuất-nhập khẩu.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận một số vấn đề về công tác chuẩn bị nguồn cung hàng hóa nông sản từ các địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp trong các tháng cuối năm 2024; các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm nông sản, ứng phó với các rào cản kỹ thuật, đáp ứng quy định, thị hiếu tiêu dùng thị trường trong nước và xuất khẩu; tiềm năng, cơ hội liên kết sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm ong của Việt Nam nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng trong thời gian tới. Thông tin về khả năng cung ứng nông sản chủ lực; kết nối tiêu thụ nông-lâm-thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh…