Bình Thuận: Nỗ lực ngăn chặn vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết
Tỉnh Bình Thuận hiện có 34 dân tộc thiểu số, với 25.988 hộ/105.295 khẩu, chiếm 8,4% dân số toàn tỉnh. Tuy nhiên, tại đây tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại, cần có giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới.
Nạn tảo hôn vẫn còn tồn tại
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, số trường hợp tảo hôn giảm và không có trường hợp kết hôn cận huyết thống. Trong năm 2022, toàn tỉnh có 65 trường hợp tảo hôn, trong đó, có 44 trường hợp tảo hôn vợ hoặc chồng; 21 trường hợp tảo hôn cả vợ và chồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 32 trường hợp tảo hôn, trong đó tảo hôn cả vợ và chồng là 13 trường hợp và vợ hoặc chồng tảo hôn là 19 trường hợp.
Tình trạng tảo hôn diễn ra phần lớn là do đồng bào DTTS thiếu hiểu biết về Luật Hôn nhân và gia đình; phong tục tập quán lạc hậu ở một số vùng đồng bào vẫn còn tồn tại, đa số các em ở độ tuổi thanh thiếu niên thiếu hiểu biết về kỹ năng sống, kiến thức pháp luật, thông tin về sức khỏe... còn hạn chế.
Tại huyện Bắc Bình có 16 đồng bào DTTS sinh sống, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra mặc dù địa phương có nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động. Mặc dù ở xã Phan Sơn, các đoàn thể thường xuyên đến các thôn, nhà người dân tuyên truyền nhưng nạn tảo hôn vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân do đồng bào nơi đây còn hạn chế về hiểu biết pháp luật, Luật Hôn nhân và gia đình, cha mẹ chủ yếu làm nương rẫy, kinh tế khó khăn con cái bỏ học sớm dẫn đến việc lấy chồng, lấy vợ sớm.
Tại Sông Bình có thôn Tân Sơn là thôn thuần đồng bào DTTS, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Hoa, Ngái. Để đẩy lùi nạn tảo hôn, Hội Phụ nữ xã Sông Bình cùng Mặt trận, đoàn thể xã đã chọn thôn Tân Sơn làm điểm xây dựng mô hình tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Nỗ lực đồng hành, ngăn chặn vấn nạn tảo hôn
Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt Luật Hôn nhân và gia đình, nói không với việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS ở cấp cơ sở luôn được quan tâm.
Hiện Ban Dân tộc tỉnh đã có kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” trên địa bàn tỉnh. Các mô hình kết nghĩa giữa 17 sở, ngành, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể cấp tỉnh với 17 xã thuần đồng bào DTTS và 37 thôn xen ghép thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của Luật Hôn nhân và gia đình.
Ngoài ra, cần là phát huy vai trò của Người có uy tín, già làng, trưởng thôn, đội ngũ hòa giải viên tuyên truyền, gõ cửa từng nhà có những trường hợp có thể xảy ra việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương để tuyên truyền, vận động, ngăn chặn.
Trong thời gian tới, Ban Dân tộc Bình Thuận tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trong đó duy trì và nhân rộng thêm các mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.
Qua đó, thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao trình độ dân trí, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu...