Bình Thuận phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường biển

Nhiều con số đáng báo động về tình trạng ô nhiễm rác đại dương và suy giảm nguồn lợi thủy sản đã được các nhà khoa học đưa ra tại buổi tọa đàm 'Bảo vệ môi trường biển để phát triển kinh tế bền vững tại tỉnh Bình Thuận' được báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức.

Mỗi năm, Việt Nam xả ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa, chiếm 6% toàn thế giới, đứng thứ 4 thế giới; trong đó, 80% có nguồn gốc từ các hoạt động trên đất liền. Tại Bình Thuận rác thải tồn tại ở khắp mọi nơi, ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường biển, môi trường sống và du lịch địa phương.

Bên cạnh đó, hiện nay, nguồn lợi thủy sản biển Việt Nam nói chung và nguồn lợi thủy sản biển tỉnh Bình Thuận đang bị cạn kiệt, lượng hải sản đánh bắt ở vùng biển Việt Nam hiện nay đang ở mức lớn gấp gần 1,5 lần lượng hải sản có thể đánh bắt. Việc đánh bắt quá mức nguồn lợi thủy sản đã làm cạn kiệt cá, tôm và các loại hải sản khác. Theo các đại biểu, phải có giải pháp để đảm bảo môi trường biển cũng như Quản lý chặt chẽ việc đánh bắt thủy sản.

Hiện Bình Thuận là ngư trường lớn thứ 3 của cả nước, đây cũng là tỉnh có vùng nước trồi rất đặc biệt làm cho chất lượng thủy sản ở tỉnh này đứng đầu cả nước. Chính vì vậy, theo các đại biểu cần phải hành động ngay, triển khai các giải pháp để bảo vệ, bảo tồn các loài thủy sản và ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển, khôi phục lại nguồn lợi thủy sản biển, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Lê Trang - Triệu Nguyễn

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/binh-thuan-phat-trien-kinh-te-bien-gan-voi-bao-ve-moi-truong-bien-200145.htm