Bình Thuận: Tàu thuyền đã ra khỏi vùng nguy hiểm của bão số 12
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, đến chiều 9/11, việc ứng phó với cơn bão số 12 đang được tiến hành khẩn trương. Các tàu, thuyền đã được thông báo và đều thoát khỏi vùng nguy hiểm của bão số 12.
Tính đến 17 giờ ngày 9/11, toàn tỉnh có 185 tàu, thuyền với 1.493 lao động đánh bắt hải sản xa bờ, 1.359 phương tiện với 7.709 lao động đánh bắt gần bờ (10 hải lý trở vào, đi về trong ngày); 5.864 phương tiện với 32.879 lao động neo đậu tại bến, 94 lồng, bè nuôi hải sản với 265 lao động. Các chủ lồng, bè nuôi thủy sản đã được lực lượng biên phòng thông tin về tình hình thời tiết, ảnh hưởng của bão số 12 và đã gia cố, chằng buộc an toàn cho bè nuôi, khi có lệnh cấm sẽ đi vào bờ tránh trú.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng thông báo, hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động ở vùng nguy hiểm trên biển vào nơi tránh trú, neo đậu an toàn, kết nối thông tin liên lạc với các chủ tàu, kiểm đếm, rà soát để hướng dẫn, hỗ trợ xử lý khi xảy ra sự cố. Bộ đội Biên phòng cũng mở đài canh 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, kiểm soát tàu thuyền, hướng dẫn các chủ phương tiện tránh trú hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của bão; bắn pháo hiệu báo bão tại đồn biên phòng Thanh Hải và Cửa khẩu Cảng Phú Quý theo quy định.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, đến trưa 9/11, mực nước các hồ chứa trong tỉnh đều thấp hơn mực nước thiết kế. Công ty Khai thác công trình thủy lợi đã phân công trực 24/24 giờ tại tất cả các hồ chứa, đầu mối công trình thủy lợi; phân công lực lượng trực tại các điểm xung yếu, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, ảnh hưởng bão số 12, mưa, lũ trên địa bàn tỉnh, mưa ở thượng nguồn để chủ các hồ chứa để tính toán lưu lượng về hồ, vận hành điều tiết nước hợp lý, đảm bảo an toàn công trình, tích nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Đến 17 giờ ngày 9/11, các địa phương đã rà soát khu dân cư ven biển, ven sông, vùng trũng, ngập lụt, sạt lở để sẵn sàng phương tiện, lực lượng và kế hoạch sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm khi có bão hoặc mưa, lũ, ngập lụt; chuẩn bị tốt theo phương châm "4 tại chỗ" để ứng phó với các tình huống, sự cố có thể xảy ra. Các cơ quan chức năng ở địa phương cũng chỗ trợ nhân dân chằng, chống nhà cửa, neo buộc lồng bè thủy sản, chặt tỉa cành cây, an toàn lưới điện và đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các điểm du lịch, các resort trong tỉnh.
Tỉnh Bình Thuận cũng đã sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân theo kế hoạch tại các địa phương ven biển khi bão ảnh hưởng trực tiếp và gây mưa, lũ, ngập lụt. Trong đó, các huyện Tuy Phong, Bắc Bình và huyện đảo Phú Quý rà soát chặt số lượng người dân sống ven biển và có thể phải chịu ảnh hưởng tực tiếp của bão số 12 để lập phương án, kế hoạch di dời khi có lệnh của cấp có thẩm quyền. Dự kiến, Bình Thuận sẽ di dời 5.503 hộ với 23.334 nhân khẩu khi bão đổ bộ trực tiếp vào địa bàn.