Bình yên chốn cũ
Hai mươi năm xa quê, tưởng chừng ngày về với tôi còn xa vời vạn dặm. Ấy vậy mà, không nằm trong kế hoạch, tôi lại được trở lại quê nhà với bao nhiêu niềm hạnh phúc dâng trào. Hai mươi năm trôi qua quê nhà đã đổi thay nhưng trong tâm trí của tôi mọi vật dường như còn đọng lại, thân quen đến ngỡ ngàng.
Vẫn là con đường mòn lối nhỏ, lũy tre làng kẽo kịt mỗi trưa hè và những con người chân chất, mộc mạc, lam lũ một nắng hai sương.
Tôi trở về ngôi nhà ngói ba gian rêu phủ xanh rì, căn phòng nhỏ cái giường được cha đóng bằng gỗ xoan năm ấy ọp ẹp thấp thoáng mùi ẩm mốc, bốn bức tường loang lổ những lần cha chắp vá vôi vữa bằng đôi tay đầy chai sạn. Tất cả đều xưa cũ, chẳng tiện nghi nhưng không hiểu sao tôi lại thích thú vô cùng.
Ở ngay chính căn phòng này tôi đã có gần hai mươi năm lớn lên với bao nhiêu kỉ niệm đong đầy. Từ trong căn phòng tôi nhìn qua khung cửa sổ phía bên ngoài là khu vườn đầy ắp cây trái. Mùa này những quả xoài lúc lỉu căng mọng, thơm nức. Lúc mơ màng, bất giác tôi như thấy mình bé lại ngồi vắt vẻo trên chạc ba của cây xoài hồn nhiên ngồi gặm quả. Nhớ cả những lần vội vàng chỉ để ý hái xoài mà quên rằng phía cành cây có tổ ong vò vẽ rất to, bị đốt sưng húp hai đôi mắt. Mùa hạ đương thì, những chú ve râm ran dạo từng khúc nhạc.
Sáng sớm nắng lấp lóa rung rinh trên tàu cau, tràn xuống vuông sân gạch đỏ au. Bà khom lưng dùng chổi tre quét lấy mấy chiếc lá khế rụng vàng, rồi lấy gáo tưới nước cây hoa móng rồng thơm ngào ngạt đầu sân. Tôi bỏ dép, chân trần tung tẩy trên vuông sân, đi ra vườn chạm vào thớ đất quê hương mát rượi. Thi thoảng ngó xuống đường đi tránh lũ kiến đang hành quân. Nếu là ngày xưa tôi sẽ lấy một cái que củi khô, vạch làm hào quách chia rẽ bầy kiến và tự một mình cười khúc khích. Còn bây giờ tôi chậm rãi nhìn chúng nối đuôi nhau và nghĩ rằng chúng đang có một cuộc hành quân đầy háo hức.
Bên cạnh là tàu lá chuối xôn xao, xanh mươn mướt. Thấp thoáng bóng dáng mẹ cầm liềm ra vườn hái lá chuối khô đặng chiều nay làm bánh ít, bánh mật. Dù chưa làm, nhưng tôi đã hình dung ra được những chiếc bánh xinh xắn dẻo thơm mùi nếp, mùi lá chuối, nhân đậu xanh hòa quyện lấy vào nhau thật khó cưỡng. Mẹ sẽ bóc sẵn cho đàn con mấy chiếc trước vì sợ nếp dính đầy bàn tay, rồi dịu dàng hỏi bánh mẹ làm có ngon, vừa miệng không? Cả nhà ngồi quây quần bên chõng tre nhỏ mà cười nói rộn ràng.
Buổi chiều tôi được hòa mình vào một phiên chợ quê. Thật bất ngờ sau chừng ấy năm nhưng khi tôi trở lại vẫn có người nhớ tên tôi, những cô, bác ngày xưa giờ đã lên chức bà, chức cụ. Vẫn điệu chỉ ấy, người ở chợ quê tôi luôn ân cần và hiền hòa. Họ cười chào, vui mừng khi tôi trở về làng. Những giọng nói quê nằng nặng, mộc mạc sao mà thân thương đến vô cùng. Tôi sà vào hàng rau, vào hàng hoa quả và cả hàng tôm cá ngồi nói chuyện với mỗi người một chút. Bao nhiêu lần đi chợ cả chợ cóc lẫn chợ hiện đại nhưng khi về chợ quê tôi mới thấy được là chính mình, bình yên vô cùng, chẳng cần phải trả giá, nói thách nhưng tôi vẫn có thể mua được món đồ tươi ngon, thậm chí còn được cho biếu thêm.
Về lại chốn cũ, gặp lại cảnh vật và những con người cũ nhưng niềm vui thì khôi nguyên, như mới ngày hôm qua. Dòng thời gian đã đẩy xa tôi đến với thế giới của người trưởng thành, tới một vùng đất mới nhiều lo toan, bon chen và suy nghĩ. Và khi về lại chốn cũ tôi mới vỡ lẽ nhiều điều. Cuộc sống đôi khi cần có những khoảng lặng, những phút giây thật chậm để cân bằng khỏi những chống chếnh, chênh vênh. Tôi nhận ra hạnh phúc, bình yên là nơi này, nơi neo lại bao yêu thương bình dị, đẫu đi xa muôn nơi tôi cũng muốn được trở về.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/binh-yen-chon-cu-i698663/