Bình yên điểm tựa tiền tiêu

Dọc theo chiều dài hơn 231km đường biên giới của tỉnh Lạng Sơn, trên những điểm cao, những đỉnh núi đá có rất nhiều tổ công tác của BĐBP đang ngày đêm làm nhiệm vụ. Trong những ngày Tết Nguyên đán, những người lính quân hàm xanh vẫn kiên trì bám chốt, lặng thầm làm tròn sứ mệnh nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ 'phên dậu' của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma phối hợp với nhân dân tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Vi Toàn

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma phối hợp với nhân dân tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Vi Toàn

Trên cao điểm 424

Con đường lên cao điểm 424 (thuộc xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) dài gần 1km, tráng xi măng, rộng vừa đủ cho 1 chiếc xe máy chạy, nhưng quanh co, khúc khuỷu, nhiều chỗ dốc cao, khá nguy hiểm. Phải là “tay lái lụa” mới dám đi xe máy lên đó. Thế nhưng, các chiến sĩ Biên phòng làm nhiệm vụ ở tổ, chốt quản lý, bảo vệ biên giới trên cao điểm 424 (tạm gọi là Chốt 424) này vẫn đi lại hàng ngày, kể cả lúc trời mưa gió. “Một số anh em lúc mới nhận công tác, không dám chạy xe máy lên chốt, nhưng dần dần cũng quen” - Trung tá Hoàng Việt Dũng, Phụ trách Chốt 424 chia sẻ.

Chốt 424 là căn nhà xây, đã cũ, rộng chừng 40m2. Phía trước có thêm mái che bằng tôn và một cái bếp nhỏ. Khuất phía sau là một cái chuồng nhỏ dùng để nuôi gà, vịt và xung quanh trồng rất nhiều rau xanh. “Ở đây đi lại khá vất vả, nhất là những hôm mưa gió nên chúng tôi phải chủ động phần nào thực phẩm” - Trung tá Dũng nói. Khí hậu ở Chốt 424 rất khắc nghiệt, nắng nóng về mùa Hè, buốt giá về mùa Đông. Chỉ cái bàn kê ngoài sân lộng gió, Trung tá Dũng nói: “Phong cảnh Xuân vùng cao từ đây tuyệt đẹp nhưng không ai có thể ngồi được ở cái bàn này vì lạnh giá, rét buốt”.

Tuy vẫn còn đó những khó khăn, nhưng ở Chốt 424 đã có điện lưới, có nước máy, có sóng tivi. Và điều thú vị nhất là có dãy đào to, rực rỡ khoe sắc dọc theo lối đi vào chốt. Lúc chúng tôi có mặt tại chốt, nụ đào đã hé nở, chực muốn bung ra để đón chào Xuân mới. Anh Dũng nói, không ai biết chính xác dãy đào này được trồng tự bao giờ, nhưng năm 2004, khi lần đầu tiên về nhận công tác ở cao điểm 424, anh đã thấy những cây đào này, to lớn, mạnh mẽ, cành lá lúc nào cũng muốn bung ra, vươn mình đón nắng Xuân…

Vì có lợi thế về chiều cao, lại cách biên giới không xa nên đứng ở Chốt 424 có thể quan sát đường ngang, ngõ tắt và khu vực biên giới cửa khẩu Chi Ma. Thượng tá Dương Văn Hảo, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma cho biết thêm, trong hơn 16km đường biên giới do đơn vị quản lý, có tới 49 cột mốc. Phần lớn đường biên giới chạy dọc theo sống núi, mỗi lần đi tuần tra rất vất vả, nhất là về mùa Đông lạnh giá, những hôm mưa phùn gió bấc. Nhưng vì nhiệm vụ, hàng chục cán bộ, chiến sĩ ở Chốt 424 nói riêng và Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma vẫn ngày đêm mải miết tuần tra, chốt chặn trên biên giới vì sự bình yên của biên cương.

Là người dân tộc Nùng, quê Lạng Sơn, năm nay Trung tá Dũng đã có 33 năm trong quân ngũ. Hỏi chuyện Tết, anh chia sẻ, gần 30 năm rồi anh đón Tết trên biên giới, lúc ở đơn vị, khi ở tổ, chốt hay ngay tại cột mốc trên đường biên.

Cột mốc nơi điểm cuối dòng sông

Đã gần 10 giờ đêm, trời rất lạnh, nhưng tôi vẫn đi cùng Trung tá Trịnh Đức Tùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bình Nghi đi thăm, động viên anh em đang làm nhiệm vụ ở cột mốc số 1035, cách đơn vị trên 7km. Đúng đêm trăng nên nhìn phong cảnh rất nên thơ và lãng mạn. Những mái nhà của đồng bào các dân tộc ít người thấp thoáng dưới ánh trăng huyền ảo, tạo nên một khung cảnh rất bình yên. Những ngọn đồi, ngọn núi ngàn năm nay vẫn cứ lừng lững đứng đó như bức tường thành trấn giữ nơi biên ải.

Từ dưới đường, để lên cột mốc 1035, phải vượt qua triền dốc cao 73 bậc. Do độ dốc cao, nguy hiểm nên Thiếu tá Phạm Xuân Tiến, nhân viên Trạm Kiểm soát Biên phòng Bình Nghi dùng đèn pin rọi theo từng bậc thang để hỗ trợ cho chúng tôi leo lên. Vừa lên tới nơi, chưa kịp thở, đã cảm nhận được cái lạnh buốt qua từng cơn gió thông thốc thổi.

Bình yên nơi điểm cuối sông Kỳ Cùng trên lãnh thổ Việt Nam. Ảnh: Đăng Bảy

Bình yên nơi điểm cuối sông Kỳ Cùng trên lãnh thổ Việt Nam. Ảnh: Đăng Bảy

Thiếu tá Tiến nói: “Ban đêm, đứng gác thế này là bình thường, còn ban ngày, chúng tôi phải trèo đèo, vượt suối, đi tuần tra tới cột mốc 1022, cách đây 10km. Gặp hôm mưa phùn, gió bấc, lạnh như cắt da cắt thịt, còn vất vả hơn rất nhiều. Nhưng vì nhiệm vụ, không một phút giây nào người lính Biên phòng ngơi nghỉ hay một phút lơ là…”. 4 năm công tác ở Trạm Kiểm soát Biên phòng Bình Nghi, gần như ngày nào Thiếu tá Tiến cũng cùng với đồng đội đi tuần tra biên giới. Phần lớn cung đường 10km từ cột mốc 1035 đến 1022 là đồi núi, sông suối, nên việc đi lại khá vất vả. “Năm nay 28 tuổi quân, tôi đã từng công tác ở 7 đồn, đơn vị Biên phòng trong tỉnh Lạng Sơn, ở đâu chúng tôi cũng đi tuần tra biên giới, cũng đi địa bàn hỗ trợ, chia sẻ với bà con. Lính Biên phòng là vậy, gian khó, vất vả là chuyện thường” - Thiếu tá Tiến tâm sự.

Từ cột mốc 1035 (thôn Bắc Lạn, xã Đào Viên, huyện Tràng Định), có thể quan sát khá rõ khu vực biên giới nơi giáp ranh giữa Trung Quốc và Việt Nam. Dưới ánh trăng đêm, dòng sông Kỳ Cùng trông như một dải lụa, êm đềm uốn lượn trước khi chảy qua phía nước bạn. Một điều khá bất ngờ là cột mốc 1035 cũng là điểm cuối cùng của con sông Kỳ Cùng bên phía Việt Nam… Và lúc đứng ở cột mốc 1035, tôi mới biết, Kỳ Cùng là con sông duy nhất ở miền Bắc không chảy về biển Đông mà chảy ngược sang Trung Quốc…

“Dù ở bất cứ nơi nào trên biên giới thì chúng tôi cũng ý thức được trách nhiệm của người lính Biên phòng với Tổ quốc, với quê hương” - Trung tá Hoàng Việt Dũng trải lòng.

Đêm khuya, trời lạnh, nơi điểm cuối của con sông Kỳ Cùng trên đất Việt Nam, Trung tá Trịnh Đức Tùng giới thiệu cho chúng tôi nghe về lịch sử chiến đấu, xây dựng của Đồn Biên phòng Bình Nghi, về sự hình thành cột mốc 1035 nói riêng và cả 77 cột mốc trên đoạn biên giới dài hơn 30km do đơn vị quản lý. Trung tá Tùng nói, như một diễn giả: “Những đường mòn dọc biên giới, những đường nhánh lên tất cả các cột mốc đều được tạo nên bởi những bước chân tuần tra của lính Biên phòng. Nơi nào đèo sâu, núi cao hiểm trở chưa có đường thì lính Biên phòng tự tìm lối mà đi, đi cho khi nào tới cột mốc. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, lớp này nối lớp kia, những cung đường tuần tra cứ thế mà rộng hơn, dài hơn và bằng phẳng hơn”.

Nghe Trung tá Tùng nói, nhìn theo cánh tay anh vẽ lên không trung để minh họa về những con đường mà các đội tuần tra vẫn đi hàng ngày, tôi bất chợt nhớ tới câu thơ:

“Ấy thế mà tôi đã đi

Dọc đường viền quanh quanh trên bản đồ Tổ quốc

Cái đường viền li ti dấu chân người thương nước

Thức qua ngày, thức qua đêm

Móng Cái, Lai Châu, Cha Lo, Hà Tiên...

Bao địa danh nghe rưng nước mắt!”.

Lính Biên phòng là vậy. Cứ lặng thầm với những chiến công, cứ âm thầm chịu đựng gió sương. Nhưng các anh biết, sau lưng mình là sự bình yên, là đất mẹ, là Tổ quốc.

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/binh-yen-diem-tua-tien-tieu-post458260.html