Bình yên Na Đồng
Chúng tôi bị hút hồn bởi cảnh đẹp thiên nhiên, khiến bao mệt nhọc như vơi nhẹ, thả hồn thư thái ở 'chốn bình yên' Na Đồng, xã Vũ Chấn (Võ Nhai).
Qua những khúc cua, lên dốc, xuống thung, rồi lại ngược lưng chừng đồi, chúng tôi đến gia đình Trưởng xóm Na Đồng, anh Hoàng Văn Ngô. Ngôi nhà sàn to rộng, thoáng mát. Dưới gầm nhà sàn có vài chiếc xe máy nhưng chìa khóa không rút khỏi ổ. Sau những câu chào hỏi làm quen, tôi không quên nhắc: Anh chủ quan quá, xe máy phải khóa cổ, rút chìa, nếu không sẽ tạo sơ hở cho kẻ gian lấy trộm?
Anh Ngô nói rất “hồn nhiên”: Mất sao được nhà báo, cả ngày lẫn đêm xe vẫn để như vậy vì xóm không có tệ nạn xã hội. Na Đồng đạt xóm tự quản từ năm 2014. Người dân đi rừng, làm đồng để xe máy, xe đạp ở ven rừng, ven bãi, cả buổi mà chưa mất bao giờ. Nhà cửa cũng không bao giờ phải khóa, cứ khép hờ là yên tâm rồi.
Chúng tôi thoải mái ngồi trà đạo bên khung cửa sổ nhìn ra một khoảng không xanh mát với đồi núi chập chùng. Anh Ngô nói: Những cánh rừng, nương chè, ruộng lúa tươi tốt ngoài kia đã góp phần không chỉ nuôi sống hơn 2.400 nhân khẩu của xóm mà còn giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Giờ xóm chỉ còn 6/93 hộ nghèo; thu nhập bình quân đạt xấp xỉ 40 triệu đồng/người/năm. Xóm có khoảng 30 hộ thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm nhờ trồng rừng kết hợp với phát triển chăn nuôi. Tôi rất tự hào vì đời sống của người dân Na Đồng ngày một nâng cao, bộ mặt xóm ngày càng khởi sắc.
Đúng như lời anh Ngô chia sẻ, xóm Na Đồng đã bê tông hóa 100% đường giao thông nội xóm, có chiều rộng từ 3m trở lên, trong đó có hơn 3km đường được lắp đặt hệ thống đèn thắp sáng, giúp bà con đi lại thuận tiện vào buổi tối. Nhà văn hóa khang trang, đảm bảo 150 chỗ ngồi. 80% số hộ trong xóm được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Khi gánh nặng cơm áo không còn là nỗi lo thường nhật, người dân trong xóm sãn sàng đối ứng cùng Nhà nước xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh, tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… Và hơn thế, họ dành nhiều thời gian, tình cảm để quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống thường nhật khiến tình làng ngiã xóm luôn đầm ấm.
Chị Hà Thị Hoa, người dân xóm Na Đồng, xúc động chia sẻ: Chồng tôi không may mất sớm, sức khỏe tôi cũng yếu ớt do mắc nhiều bệnh tật. Hiểu được hoàn cảnh, các chị em phụ nữ trong trong xóm đã phân công, cắt cử nhau đến giúp tôi việc đồng áng, chăm sóc cây rừng, khiến tôi có thêm động lực để vượt qua khó khăn. Tôi rất xúc động và biết ơn bà con chòm xóm!
Không chỉ gia đình chị Hoa, mà bất kỳ gia đình nào trong xóm có chuyện hiếu, hỷ, vui, buồn, bà con đều chung tay giúp đỡ bằng cả vật chất lẫn tinh thần. Vậy nên Tổ hòa giải của xóm cũng lâm vào cảnh “thất nghiệp”. Nhiều năm liền xóm Na Đồng đạt danh hiệu Làng văn hóa.
Dẫn chúng tôi đi thăm đồi rừng, anh Ngô trò chuyện rôm rả: Cánh rừng này của gia đình tôi, chuẩn bị cho khai thác. Có tiền, tôi sẽ sửa sang lại ngôi nhà sàn cho đẹp hơn!
- Nhà anh đẹp thế vẫn phải sửa sao? - Tôi hỏi.
Anh giải thích: Bản thân tôi là Trưởng xóm, tôi không thể chỉ nói hay mà còn phải làm được, bà con mới tin, mới nghe. Gia đình tôi trồng 4ha rừng, 1ha chè, cấy 2 mẫu lúa, chăn nuôi thêm gà, lợn… tổng thu nhập đạt khoảng 100 triệu đồng/năm. Năm 2020, tôi đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đó không chỉ là vinh dự của riêng tôi mà còn của cả gia đình. Tôi muốn mình thực sự trở thành tấm gương mẫu mực cho con, cháu noi theo, xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ.
Tôi bất ngờ và vui lây trước câu trả lời của Trưởng xóm người dân tộc Tày. Vị “thủ lĩnh”, người đảng viên có tầm nhìn và tư duy như vậy, thì tất yếu đồng bào dân tộc Tày ở Na Đồng không thể đói nghèo (xóm có 100% hộ người dân tộc Tày - P.V).
Đang miên man trong suy tư, anh Ngô bỗng nói: Con đường chị đang đi, trước kia chỉ là lối mòn nhỏ hẹp, đi lại rất khó khăn, nay được mở rộng hơn 3m là do gia đình tôi đã hiến hơn 1.000m2 đất. Trước tiên, gia đình tôi được hưởng lợi, sau đó là các hộ có đồi rừng, ruộng nương ở khu vực này...
Một ngày ở Na Đồng đã cho chúng tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Những con người sinh sống nơi miền sơn cước, dẫu điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song lại giàu lòng nhân ái, chân tình và mộc mạc. Họ không chỉ lo cho hạnh phúc của riêng mình mà vì cộng đồng, họ sẵn sàng san sẻ lợi ích cá nhân, đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau vượt qua gian khó vươn lên xây dựng bản làng văn hóa, phát triển.
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202407/binh-yen-na-dong-be324d9/