Bình yên nhé, Nam Sudan!
Một năm không phải là dài đối với cuộc đời mỗi con người, nhưng một năm là quá đủ để làm nên những điều kì diệu. Ngày về, trong ba lô những chiến sĩ là kỉ niệm, là kinh nghiệm. Những người làm cha có thêm trải nghiệm cho cuộc đời, và đó là những bài học về tình yêu thương cho những đứa con.
Chiếc áo blouse không biên giới
Trở về sau một năm tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan, là một trong 63 thành viên của Bệnh viện Dã chiến cấp 2, số 1 được Liên Hợp Quốc trao tặng Huân chương vì sự nghiệp Gìn giữ hòa bình, trung tá Đinh Văn Tuấn cho biết, ngày gặp lại vợ và 2 con trai tại sân bay, cả nhà đứng lặng nhìn nhau hồi lâu. Con ôm cha, vợ ôm chồng, mọi cảm xúc dường như vỡ òa ngay trong giây phút hội ngộ.
Kể về những kỉ niệm sau 1 năm công tác tại nước bạn, trung tá Tuấn cho rằng đó là những trải nghiệm đáng quý mà có lẽ trong suốt cuộc đời quân ngũ của mình, anh sẽ không bao giờ quên. “Ngày đáp máy bay xuống Nam Sudan, nhiệt độ ngoài trời hơn 50 độ C, nhưng khi đêm xuống, không khí lạnh bao trùm, chỉ còn khoảng 20 độ C thôi. Ấn tượng đầu tiên về mảnh đất này là bạt ngàn màu trắng của lều trại tị nạn, là hình ảnh những đứa trẻ gầy nhom vì thiếu ăn, trên người chẳng đủ quần và áo.
Cái nghèo, cái khổ cực tận cùng ám ảnh và bao trùm hết thảy mọi thứ. Lúc ấy không ai bảo ai, anh em trong bệnh viện đều tự nhủ với lòng sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình để giúp đỡ cho mảnh đất và những con người quá đỗi đau thương”, trung tá Tuấn trầm ngâm nhớ lại.
Ngày về, trong ba lô những chiến sĩ là kỉ niệm, là kinh nghiệm. Những người làm cha như tôi có thêm trải nghiệm cho cuộc đời, và đó là những bài học về tình yêu thương cho những đứa con”, Trung úy Nguyễn Mạnh Hiệp
Nhiệm vụ của bệnh viện Dã chiến là tiếp nhận và điều trị cho những nhân viên thuộc phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Trong hơn 1 năm, bệnh viện đã thu dung và tiếp nhận cho 2.022 trường hợp bệnh nhân, gấp khoảng 10 lần so với các bệnh viện cùng cấp trước đó. Sở dĩ có được con số ấn tượng này, theo trung tá Tuấn, chính lãnh đạo bệnh viện và các cán bộ chiến sĩ đã đề xuất mở rộng đối tượng tiếp nhận. Họ điều trị cho cả nhân viên của các ban ngành khác tại Bentiu và cả dân thường- những con người thiếu thốn tột cùng về chăm sóc y tế.
Chính sự chân thành, nhiệt tình và trách nhiệm của những bác sĩ Quân y Việt Nam, nhiều người dân Bentiu có thêm cơ hội chữa bệnh. Tình cảm của người dân nơi mảnh đất châu Phi dành cho những người lính Việt ngày càng thêm gắn bó. “Họ nhận ra được lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam trên ngực áo chúng tôi, chúng tôi đi tới đâu, họ vẫy tay chào và hô to: Việt Nam”, anh Tuấn nói.
Với trung úy Nguyễn Mạnh Hiệp, điều làm anh tự hào nhất chính là đã để lại hình ảnh tốt đẹp về người lính Cụ Hồ, về lá cờ đỏ sao vàng trong tâm khảm những bạn bè quốc tế. Là bộ quần áo cổ truyền của Ấn Độ mà một nhân viên phái bộ tặng cho anh Hiệp sau nỗ lực cứu chữa anh ta khỏi biến chứng của bỏng axit kèm lời khen: “bác sĩ Việt giỏi lắm”; là cái đập nhẹ vào vai anh giữa hàng trăm người trên phố thủ đô Juba của một người dân Nam Sudan: «Tôi yêu quý Việt Nam lắm, đất nước Việt Nam rất mạnh mẽ”. Hết thảy, anh gọi đó là niềm tự hào về Tổ quốc, về quê hương.
Tại Nam Sudan- nơi cách Việt Nam 10.000 km, những bác sĩ Quân y Việt không chỉ làm tốt mà còn làm xuất sắc nhiệm vụ của mình. Hành trang họ mang theo không chỉ là kinh nghiệm, là kỹ năng chuyên môn mà còn là lòng tin, là sứ mệnh cao cả mà nghề Y, mà Tổ quốc và Nhân dân đã giao phó.
Tổ quốc ơi, tôi đã về!
Phần lớn những cán bộ của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam đều là những người trẻ nên chưa từng một lần chứng kiến cảnh ác liệt của chiến tranh. Nhưng tại Bentiu, họ tận mắt chứng kiến cảnh đoàn người lũ lượt dắt tay nhau đi tị nạn, cảnh những đứa trẻ đói ăn, đói mặc và dĩ nhiên...đói luôn cả chữ. Hình ảnh về vùng đất khô cằn giáp với sa mạc Sahara, nơi mà mọi thứ đều bỏng rát vì cái nóng hừng hực. Nóng đốt cháy sức lực ít ỏi còn lại của con người. Nóng thiêu dần mòn niềm tin và hi vọng của họ về một tương lai sáng sủa.
Ngày nhận nhiệm vụ tại khu căn cứ, theo lời trung úy Nguyễn Mạnh Hiệp, nơi đó chỉ là khu nhà tạm trên nền đất đầy sỏi đá khô cằn, cứ nghĩ sẽ không có bất kì cây cối nào có thể sinh trưởng được ở nơi đây. Thế nhưng, bằng những giọt nước chắt chiu, những người lính Việt thay nhau cày xới, cải tạo đất, và rồi những giàn mướp, những luống rau, vườn hoa mọc lên giữa mảnh đất đầy nắng và gió. Họ khoác cho một phần mảnh đất nơi ấy một tấm áo mới màu xanh: xanh của cây, xanh của rau, của hoa và của hi vọng. Có lẽ chính sự đồng cảm cùng những con người đã và đang chịu cảnh hoang tàn bởi chiến tranh khiến những người lính Việt Nam càng yêu thêm mảnh đất và con người nơi ấy.
Nam Sudan- mảnh đất châu Phi có lẽ rất xa lạ với cậu con trai mới 5 tuổi của anh Hiệp, thế nhưng ánh mắt cậu bé vẫn sáng lên và dõng dạc mỗi khi có ai đó nhắc về ba: “Ba con đi Sudan”.
Những ngày cận kề trước khi lên máy bay về nước sau hơn 12 tháng nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan, hết thảy các chiến sĩ đều sống trong tâm trạng bồi hồi khó tả: “Mỗi mảnh đất đều có linh hồn, chạy mãi cũng quen chân, hít thở mãi cũng quen mũi. Mảnh đất Bentiu ấy là nơi các anh em chúng tôi cùng làm việc, cùng lao động, cùng giải trí.
Là những buổi tối bên tách trà kể chuyện nhau nghe. Là hình ảnh quen thuộc về những con người da đen chất phác, hiền lành. Lúc ấy vừa trông ngóng về lại với gia đình, vừa quyến luyến, tiếc nuối điều gì đó mà tôi chẳng gọi nổi thành tên. Khoảnh khắc bước đi, dù cố gắng nhưng tôi không thể không ngoái đầu lại nhìn, miệng mấp máy: Bình yên nhé, Nam Sudan”.
Với những người lính Việt Nam, dù ở châu lục nào, quốc gia nào, dù người dân mang màu da nào, nói ngôn ngữ nào, thì cũng đều xứng đáng được hạnh phúc và bình yên...
Lời hứa với chính mình ngày mới đáp máy bay xuống mảnh đất châu Phi, những người lính Việt đã hoàn thành xuất sắc. Ngày trở về, trong ánh mắt của 63 con người là niềm tin, niềm hạnh phúc. Cái vẫy tay vào khoảnh khắc vừa bước xuống máy bay là lời chào ngày gặp lại của những cánh chim hòa bình. Họ chào gia đình, chào đồng đội và chào đất mẹ yêu thương: “Tổ quốc ơi, tôi đã về!”.
Với gia đình, với đồng đội, với đất nước, những chiến sĩ ấy là niềm tự hào. Còn với họ, tự hào nhất là khoảnh khắc đứng dõng dạc đưa tay chào, ngực căng phồng trước lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên bầu trời châu Phi. Là cái bắt tay, là cái ôm quyến luyến của những người đồng nghiệp nước bạn.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/binh-yen-nhe-nam-sudan-1513351.tpo