Bình yên phía 'đầu nguồn nước'

Thấm thoắt đã 5 năm kể từ khi Nậm Cang trở thành 1 trong 3 xã đầu tiên của tỉnh 'về đích' nông thôn mới. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 767 ngày 11/9/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Sa Pa và các phường, xã thuộc thị xã Sa Pa, thì xã Nậm Cang và xã Nậm Sài sẽ sáp nhập, đổi tên thành xã Liên Minh. Cái tên Nậm Cang sẽ không còn nữa! Nghĩ tới đó, không chút do dự, tôi quyết định trở lại Nậm Cang vào một ngày cuối năm Kỷ Hợi.

Đường bê tông về đến từng thôn ở Nậm Cang.

Đường bê tông về đến từng thôn ở Nậm Cang.

Như đã hẹn trước, anh Phàn Phủ Seng, Chủ tịch UBND xã Nậm Cang đợi tôi ngay trước cổng chào của xã. Với chiếc điện thoại thông minh trên tay, anh Seng chỉ tay về phía camera gắn trên cổng chào, hồ hởi khoe: “Vừa tháng trước, xã đã lắp đặt camera giám sát tình hình an ninh, trật tự. Toàn bộ số tiền hơn 40 triệu đồng lắp đặt đều do các hộ dân trong xã tự nguyện đóng góp”.

Nhìn vào điện thoại, tôi thấy hình ảnh mình đứng ở cổng chào và chiếc xe máy có thể đọc rõ biển số xe. Với hệ thống camera 360 độ, hoạt động 24/24 giờ, gồm 2 camera chính và 7 camera phụ, hệ thống sẽ giám sát và ghi lại toàn bộ hình ảnh người và phương tiện ra, vào xã, từ đó giúp người dân phòng ngừa kẻ gian, bảo vệ tài sản. Từ ngày có camera an ninh, người dân trong xã cảm thấy yên tâm hơn, nhất là mỗi khi có việc phải đi xa nhà. Anh Tẩn Vần Kinh, thôn Nậm Cang 1 tâm sự: Ở Nậm Cang, an ninh trật tự đảm bảo, rất ít khi xảy ra trộm cắp vặt.

Theo tiếng địa phương, Nậm Cang có nghĩa là nước ở đầu nguồn. Nhờ thiên nhiên ban tặng dòng nước trong mát từ dãy Hoàng Liên Sơn, người dân nơi đây luôn được sử dụng nước sạch đầu nguồn và phát triển nghề nuôi cá nước lạnh để làm giàu. Nậm Cang cũng là nơi khởi nguồn của 3 con suối: Nậm Cang, Nậm Pá và Nậm Thang, cung cấp nước tưới cho những cánh đồng tươi tốt quanh năm. Nậm Cang vốn là thung lũng, cũng là phần đất cuối cùng phía Đông Nam của huyện Sa Pa nên cuộc sống ở đây diễn ra có phần khép kín và bình lặng, nhưng không có nghĩa là “dậm chân đứng im”. Nếu trước đây, xã chưa từng có tên trên bản đồ du lịch Sa Pa thì bây giờ đã níu chân “cơ số” khách du lịch bởi cảnh sắc tuyệt đẹp, núi non hùng vỹ và bản sắc độc đáo của 2 dân tộc Mông, Dao. Người dân nơi đây còn biết tận dụng vẻ đẹp thơ mộng từ những con suối uốn lượn xung quanh bản làng người Mông, người Dao để xây dựng mô hình lưu trú tại gia (homestay). Xã Nậm Cang hiện có 10 homestay đang hoạt động, mỗi tháng đón hàng trăm lượt khách quốc tế.

Nậm Cang khiến tôi bất ngờ bởi tất cả nhà ở đều được đánh số. Anh Phàn Phủ Seng bật mí thêm là vài năm trở lại đây, người dân trong xã phát triển mô hình homestay và kinh doanh lá thuốc tắm của người Dao đỏ. Nhu cầu mua bán các mặt hàng tăng cao nhưng gặp nhiều khó khăn do không có số nhà, từ đó nhiều hộ đề xuất làm biển tên, đánh số nhà để thuận lợi hơn cho việc kinh doanh buôn bán. Xuất phát từ nhu cầu thiết thực đó, vào tháng 12/2018, xã Nậm Cang đã hỗ trợ gắn số nhà cho toàn bộ 336 hộ của xã. Ngoài khu vực thị trấn Sa Pa thì Nậm Cang là xã đầu tiên lắp đặt biển số nhà cho người dân. Những chiếc biển làm bằng gỗ có khắc số thứ tự cố định trước hiên nhà bỗng nhiên trở thành “điểm nhấn” cho mỗi căn nhà nhỏ nơi đây.

Người dân kinh doanh thuận lợi hơn nhờ có biển số nhà.

Người dân kinh doanh thuận lợi hơn nhờ có biển số nhà.

Nghe câu chuyện giữa tôi và Chủ tịch xã Phàn Phủ Seng, chị Phàn Mẩy Tá (số nhà 150, thôn Nậm Cang 1) liền khoe: “Tôi làm nghề bán lá thuốc Dao đỏ đã lâu nhưng từ khi có biển số nhà, khách ở nơi khác tới mua hàng đông hơn hẳn. Khách cứ theo địa chỉ tôi thông báo mà tìm đến, không mất nhiều thời gian hỏi han, tìm như trước kia. Không ai có thể nghĩ rằng ở một xã vùng cao như Nậm Cang lại có biển số nhà. Tôi hy vọng, sau Nậm Cang sẽ có thêm nhiều xã làm biển số nhà, vừa là để làm đẹp cho ngôi nhà vừa giúp thuận lợi cho giao thương”.

Mùa đông ở vùng cao thường đến sớm với sương mù dày đặc và những cơn mưa phùn giăng kín lối. Mới 5 giờ chiều, trời đã nhá nhem, chúng tôi đi bộ trên con đường bê tông xuyên qua thôn Nậm Cang 1 với những câu chuyện về mảnh đất “nước đầu nguồn” như kéo dài vô tận. Ánh đèn đường vụt sáng, những đứa trẻ trong thôn chạy ùa ra ngoài ríu rít nô đùa. Hỏi ra mới biết, từ 5 giờ chiều, hệ thống đèn đường sẽ được bật sáng giúp người dân đi lại thuận tiện vào buổi tối. Với chiều dài đường điện 3,7 km, kinh phí đầu tư hơn 160 triệu đồng, hệ thống đèn đường cũng do người dân trong xã tự nguyện đóng góp. Trưởng thôn Nậm Cang 1 - Phần Vần Phú chia sẻ: “Từ ngày có đèn đường chiếu sáng, trẻ con trong thôn có chỗ vui chơi. Mọi người muốn thăm nhà nhau hay họp thôn cũng không phải cầm theo đèn pin. Người dân rất vui mừng, phấn khởi”.

Khách du lịch tìm đến Nậm Cang trải nghiệm.

Khách du lịch tìm đến Nậm Cang trải nghiệm.

Năm 2009, xã Nậm Cang là 1 trong 3 xã đầu tiên của Lào Cai vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đến năm 2014, Nậm Cang lại trở thành xã đầu tiên của huyện Sa Pa đạt chuẩn nông thôn mới. Cho đến tận bây giờ, Nậm Cang vẫn đang là một trong những đơn vị tiên phong trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở Sa Pa. Còn nhớ năm 2016, xã Nậm Cang gặp rất nhiều khó khăn trong việc giữ chuẩn tiêu chí môi trường nhưng từ năm 2017 đến nay, tiêu chí này đã luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Anh Phàn Phủ Seng nhắc đến như một niềm tự hào: Đảm bảo vệ sinh môi trường là vấn đề chung ở các xã vùng cao nhưng với phương châm “mưa dầm thấm lâu” và cán bộ, lãnh đạo phải là người gương mẫu, đi đầu thực hiện, chính quyền xã đã giao cho từng cán bộ phụ trách thôn, sau đó tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường. Hiện nay, tất cả hộ ở Nậm Cang có nhà tiêu hợp vệ sinh, những hộ chăn nuôi đều xây chuồng trại kiên cố và hộ nào cũng có lò đốt rác mini... Thậm chí một số hộ đã tự đầu tư hệ thống lò đốt rác hiện đại hơn với kinh phí gần 30 triệu đồng.

Mùa xuân mới lại đến, bếp lửa hồng của người Mông, người Dao xã Nậm Cang đã thơm hương thảo quả, thịt lợn, bánh chưng… sẵn sàng đón Tết. Rồi đây trong hành chính, cái tên Nậm Cang có thể ít được nhắc tới nhưng sức sống mãnh liệt ở mảnh đất bình yên phía “đầu nguồn nước” và những con người mang khát vọng về cuộc sống tươi đẹp, phồn vinh, hạnh phúc sẽ mãi trường tồn với thời gian.

Thi Khanh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/binh-yen-phia-dau-nguon-nuoc-z36n20200124141446208.htm