'Và bao khổ đau nhẹ nhàng qua hết'

Vị trí của nữ giới cũng như tài năng của họ trong văn học ngày càng được công nhận ở những giải thưởng quốc tế.

 Nhà thơ Louise Gluck

Nhà thơ Louise Gluck

Đó là điều hiển hiện rõ trong dòng thời sự văn chương những năm gần đây. Mới đây, tác giả người Hàn Quốc - Han Kang được trao giải Nobel Văn chương và cũng thời điểm này cách đây 4 năm, nhà thơ người Mỹ - Louise Gluck đã ghi tên mình vào giải thưởng Nobel Văn chương danh giá.

Thơ của Louise Gluck được đánh giá giàu triết lý, đi sâu vào bản thế. Bên cạnh đó, bà cũng có những bài thơ giản dị, rung động đến nao lòng. "Hạnh phúc" là một bài thơ như thế.

Bài thơ như một thước phim mà tác giả là một người dựng cảnh, sắp đặt cảnh trí theo trường phái tối giản nhưng tinh tế và hết sức tài tình: "Một người đàn ông, một người đàn bà, giường nệm trắng/Buổi sáng. Chắc vậy/Họ sắp thức dậy/Trên bàn đặt một lọ hoa loa kèn; ánh nắng đọng thành vũng trong cuống".

Cảm giác bình yên lan tỏa trong một không gian tĩnh lặng mà nhà thơ đã khéo léo sắp đặt. Và nhân vật người kể chuyện quan sát từng cử động và biểu cảm của hai nhân vật "người đàn ông", "người đàn bà" - những người đang sống cảm giác mật ngọt của yêu đương.

Những khoảnh khắc quý giá như vậy không lặp lại nhiều lần trong cuộc đời. Cảm giác như sau khoảnh khắc hạnh phúc ấy, họ sẽ chia xa và khó có thể gặp lại hoặc họ đã trải qua rất nhiều khổ đau để cuối cùng có thể ở bên nhau. Vì thế, hạnh phúc càng được ngưng đọng, chắt chiu hơn bao giờ hết.

Bài thơ có những chi tiết logic, chặt chẽ, có lúc lại hết sức phóng khoáng như "nụ hôn sâu đã nuốt mất âm vang". Đó là âm vang của giọng nói mà khoảnh khắc ấy không một lời nói nào có thể diễn tả nhiều hơn một cái hôn sâu.

Lại có những chi tiết vừa phóng khoáng lại hết sức nữ tính và tinh tế như chi tiết: "nàng khẽ cựa mình, thân hình đẫm hơi thở hắn". "rồi em xích lại gần/để ta soi vào nhau/Em êm dịu làm sao. Và bao khổ đau/nhẹ nhàng qua hết".

Nhà thơ người Mỹ - Louise Gluck đã ghi tên mình vào giải thưởng Nobel Văn chương danh giá.

Nhà thơ người Mỹ - Louise Gluck đã ghi tên mình vào giải thưởng Nobel Văn chương danh giá.

Tình yêu đôi lứa đích thực luôn là một điều gì đó vô cùng thiêng liêng. Và hạnh phúc mà nhà thơ Louise Gluck diễn tả trong thi phẩm của bà cho thấy sự chiêm nghiệm dù lời thơ rất giản dị.

Bà viết bài thơ năm 1980, ở tuổi 37, đã đủ trưởng thành để ngẫm về hạnh phúc nhưng lời thơ vẫn rất trong trẻo, cảm xúc nguyên sơ. Có thể sau khoảnh khắc hạnh phúc ấy, cuộc sống vẫn còn tiếp diễn những khổ đau, chia lìa nhưng kỷ niệm và cảm xúc thì còn mãi.

Kỷ niệm sẽ nuôi con người ta lớn lên, là vọng âm vỗ về trên những bước đường đời còn bao gập ghềnh, khúc khuỷu. Đời người sẽ có những khoảnh khắc như vậy, còn đáng nhớ hơn dằng dặc những năm tháng vô cùng, vô nghĩa.

Và khi đọc lại những vần thơ viết về khoảnh khắc ấy, vẫn nghe trái tim mình nhói đau và thấm thía niềm nhớ tiếc, nghĩa là tâm hồn vẫn chưa chai sạn, vẫn còn nhìn về phía trước và hy vọng, đợi chờ…

Hạnh phúc

Một người đàn ông, một người đàn bà, giường nệm trắng.

Buổi sáng. Chắc vậy.

Họ sắp thức dậy.

Trên bàn đặt một lọ

hoa loa kèn; ánh nắng

đọng thành vũng trong cuống.

Tôi nhìn hắn quay sang,

như thể sắp gọi tên nàng

nhưng, nụ hôn sâu đã nuốt mất âm vang.

Bên gờ cửa sổ,

một tiếng, tiếng nữa,

chim hót.

Và rồi nàng khẽ cựa mình, thân hình

đẫm hơi thở hắn.

"Tôi mở mắt; em đang nhìn tôi

Ngập đầy phòng

ánh mặt trời bay lượn

Nhìn anh này, em nói

rồi em xích lại gần

để ta soi vào nhau,

Em êm dịu làm sao. Và bao khổ đau

nhẹ nhàng qua hết".

Mộc Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/va-bao-kho-dau-nhe-nhang-qua-het-20241108142631755.htm