Bình yên trở lại trên những bản Mông của tỉnh Tuyên Quang
Từ việc tuyên truyền nhận diện bản chất của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, niềm tin của đồng bào Mông ở Tuyên Quang với Đảng, Nhà nước được nâng cao, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố.
Bài cuối: Củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
Nhờ sự quyết tâm, đồng lòng, đấu tranh quyết liệt, tích cực tuyên truyền vận động của lực lượng chức năng, đồng bào Mông ở tỉnh Tuyên Quang hiểu rõ, không còn nghe và tin theo những luận điệu phi lý, sai trái của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.
Từ việc nhận diện rõ bản chất của kẻ xấu, những người từng bị ảnh hưởng bởi tổ chức này đã cởi mở, hòa đồng hơn. Nhiều hộ dân đã vươn lên lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Cuộc sống dần khởi sắc, khối đại đoàn kết các dân tộc được gìn giữ, củng cố, niềm tin của đồng bào dân tộc Mông với Đảng, Nhà nước được nâng cao.
Không còn tin, nghe theo tổ chức bất hợp pháp
Sau hơn 30 năm, chính quyền và nhân dân xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã được đón Tết Quý Mão yên vui, phấn khởi.
Ông Vũ Văn Thịnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Yên Lâm cho biết, xã có 1.233 hộ dân, trong đó có 252 hộ đồng bào dân tộc Mông với 1.491 nhân khẩu sinh sống tại 4 thôn là Tháng 10, Ngòi Sen, Quảng Tân và Thài Khao.
Là nơi sinh sống của đối tượng cầm đầu và một số cốt cán của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, xã Yên Lâm từng là địa bàn rất phức tạp về an ninh trật tự. Đầu năm 2022, xã vẫn còn 191 hộ với hơn 900 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp này.
Trước thực trạng đó, ba tổ công tác, mỗi tổ từ 12-15 người bao gồm đại diện cấp ủy, chính quyền, nòng cốt là lực lượng Công an xã Yên Lâm được triển khai xuống các thôn có đồng bào Mông bị ảnh hưởng, tích cực gần gũi, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, mọi lứa tuổi, đối tượng, có điều kiện là tuyên truyền, vận động người dân không tin, không nghe theo luận điệu sai trái của kẻ xấu.
Mưa dầm thấm lâu, từ những câu chuyện bên bếp lửa, những buổi cùng lao động sản xuất, những lời tuyên truyền, giải thích của cán bộ đã được đồng bào lắng nghe, dần hiểu và tin tưởng. Đến nay, 100% các hộ đã ký cam kết từ bỏ tổ chức.
Những lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc được treo ngay ngắn trước cửa mỗi ngôi nhà của đồng bào Mông ở thôn Ngòi Sen. Ông Đào Văn Nó, (72 tuổi) chia sẻ, cả gia đình ông từ tỉnh Cao Bằng sang sinh sống ở thôn đã hơn 30 năm.
Từng ấy thời gian, do thiếu hiểu biết, ông nghe, tin “Tín ngưỡng Dương Văn Mình.” Cuộc sống tốt đẹp, no đủ ở đâu không thấy, gia đình vẫn chồng chất khó khăn, vẫn đói, vẫn nghèo. Vì vậy, sau khi được chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động, ông đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp.
Giờ đây, ông đi trồng cỏ, nuôi bò. Thời gian rảnh rỗi, ông làm bạn với chiếc Khèn - nhạc cụ truyền thống của người Mông. Ông Đào Văn Nó cũng tuyên truyền con cháu mình cùng bà con trong thôn gìn giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông và phải chăm lo lao động sản xuất, cuộc sống mới ấm no.
Cùng ở thôn Ngòi Sen, gia đình anh Đào Văn Sính, chị Lý Thị Mị có 7 người con. Phần vì cuộc sống khó khăn, phần vì nhẹ dạ tin lời kẻ xấu rằng trẻ con không học cũng biết chữ nên chỉ 3 con của anh chị được đi học.
Giờ đây, cũng như nhiều đồng bào Mông ở Ngòi Sen, anh Sính đã hiểu rõ những luận điệu phi lý của kẻ xấu. Anh động viên con em mình phải đến trường, học tập đầy đủ, có cái chữ tương lai mới sáng lạn, tiến bộ.
Cuối năm 2021, nhận thức rằng mình đã đi theo tổ chức bất hợp pháp, anh Ngô Văn Hồng (dân tộc Mông, thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên) đã tự nguyện tháo phông trắng (biểu tượng của tổ chức) cùng các thành viên trong gia đình cam kết từ bỏ tổ chức.
Sau đó, anh tham gia nhóm đạo Tin lành và là tổ trưởng Tổ Tin Lành Gò Đá, xã Yên Phú. Trong quá trình sinh hoạt, anh đã vận động được gần 20 bà con đồng bào Mông trong thôn từ bỏ tổ chức Dương Văn Mình để tham gia nhóm đạo Tin lành.
Từ khi sinh hoạt theo tôn giáo được Nhà nước cho phép, bà con rất phấn khởi, được tuyên truyền về lòng yêu kính chúa, yêu thương con người, biết ơn Đảng, Nhà nước, chăm chỉ làm ăn, không vi phạm pháp luật.
Anh Hoàng Văn Dự sau khi từ bỏ tổ chức, được sự vận động của chính quyền địa phương và tín nhiệm của bà con, anh được bầu làm Phó trưởng thôn Tháng 10, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên. Giờ đây, bà con thôn Tháng 10 đã cởi mở hơn, đồng lòng trong các công việc chung.
Cũng nhờ đó, nhiều phong trào như hiến đất, đóng góp ngày công xây dựng đường bê tông nông thôn, văn hóa, văn nghệ, lao động sản xuất được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Hiện nay, 100% đường giao thông trong thôn được bêtông hóa, không còn nhà dột, nát, thôn chỉ còn 15 hộ nghèo.
Hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống
Hai con trâu sinh sản đã cho nghé, ba con lợn béo tốt, nương lúa cho năng suất cao là thành quả một năm lao động chăm chỉ của gia đình ông Đào Văn Tu (dân tộc Mông, thôn Phiêng Tảng, xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình).
Ông động viên con trai là Đào Văn Mỳ vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua hai con trâu, trồng ngô, trồng cỏ tập trung chăn nuôi, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Một lớp học vừa dạy văn hóa, vừa đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc Mông tại xã Yên Lâm được khai giảng vào tháng 4/2022. Thầy giáo Nguyễn Duy Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục Thường xuyên huyện Hàm Yên cho biết, lớp học thuộc đề án thí điểm Chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học Phổ thông kết hợp liên kết đào tạo Trung cấp nghề cho học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở.
Song song với học văn hóa, các em học sinh được lựa chọn học ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình, được tạo điều kiện học nghề, có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói, giảm nghèo, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn xã.
Đặc biệt, nhờ sự quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang về "Đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình," 100% các hộ đồng bào Mông bị ảnh hưởng đã cam kết từ bỏ tổ chức.
Đại tá Hà Phúc Thịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang, cho biết Công an tỉnh luôn xác định rõ vai trò của mình trong việc đấu tranh, xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình; chủ động xây dựng, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các kế hoạch tuyên truyền vận động, các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các địa bàn, lực lượng công an vừa tổ chức đấu tranh với những đối tượng cầm đầu, cốt cán, phát hiện, xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm pháp luật; đồng thời bám bản, gần dân, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giải thích, thực hiện tốt công tác vận động người dân ở các địa phương; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Lực lượng công an xã, an ninh phụ trách địa bàn tích cực bổ sung kiến thức về phát triển nông, lâm nghiệp, hướng dẫn bà con làm ăn kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Trong quá trình đấu tranh, ngăn chặn xóa bỏ tổ chức Dương Văn Mình, công an tỉnh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Đó là phải thống nhất nhận thức, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương, vận dụng linh hoạt, có hiệu quả, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng,..; chủ động trong công tác nắm bắt, đánh giá dự báo, nhận định đúng tình hình, tận dụng thời cơ, thời điểm để tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp tuyên truyền, đấu tranh, xử lý với các đối tượng cốt cán, triệt tiêu nguyên nhân, điều kiện để các đối tượng lôi kéo, không chế người dân tham gia tổ chức…
Cùng với đó, lực lượng công an phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, thực hiện “3 bám” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách), “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) trong tuyên truyền, vận động với nhân dân, thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội để tiếp cận, thâm nhập địa bàn, vận động người bị ảnh hưởng từ bỏ tổ chức.
Công an tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành địa phương triển khai thực hiện tốt các chính sách, dự án hỗ trợ cho người nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trọng tâm là đề án củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn các huyện; hướng dẫn nhân dân tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế, thực hiện các quy ước hương ước về nếp sống văn hóa mới khu dân cư đảm bảo phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, loại bỏ những hủ tục lạc hậu để các dân tộc trên địa bàn cùng phát triển; quan tâm giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng về tín ngưỡng, tôn giáo, không để người dân bị tái ảnh hưởng, lôi kéo theo các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật.
Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp chuyển hóa hoàn toàn 10 địa bàn xã từng bị ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình xây dựng thành xã điển hình về phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;" củng cố vững chắc an ninh nhân dân tại các địa bàn đông đồng bào Mông sinh sống./.