BIS: Bất ổn thị trường có nguy cơ làm suy yếu các nỗ lực kiềm chế lạm phát
Hôm thứ Hai (5/12), Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã cảnh báo rằng, các ngân hàng trung ương có thể buộc phải ngăn chặn các bộ phận quan trọng của hệ thống tài chính dễ bị tổn thương trước lãi suất cao hơn và điều này sẽ làm suy yếu nỗ lực kiểm soát lạm phát.
Được mệnh danh là ngân hàng của các ngân hàng trung ương, BIS cho biết, cuộc khủng hoảng diễn ra trên thị trường trái phiếu chính phủ của Anh vào tháng 9 đã nhấn mạnh rủi ro rằng, các cơ quan tiền tệ có thể buộc phải bơm thanh khoản vào thị trường tài chính vào thời điểm họ đang cố gắng kiềm chế áp lực giá cả thông qua việc tăng lãi suất cao hơn và đang thu hẹp bảng cân đối kế toán.
BIS cho biết, các hệ thống quỹ hưu trí ở các khu vực khác được xác định ít bị ảnh hưởng hơn so với ở Anh, nhưng những rủi ro tương tự đã hình thành ở nhiều bộ phận của khu vực tài chính phi ngân hàng trong thời gian dài lãi suất thấp. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các ngân hàng trung ương đã duy trì chi phí đi vay ở mức thấp lịch sử và bơm hàng nghìn tỷ đô la vào hệ thống tài chính thông qua các chương trình nới lỏng định lượng. Điều đó đã khiến các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận và chấp nhận mức rủi ro cao hơn.
BIS cho biết: “Khi những rủi ro này trở thành hiện thực và chi phí kinh tế kèm theo trở nên đáng kể, các ngân hàng trung ương sẽ chịu áp lực phải cung cấp một giải pháp hỗ trợ. Mặc dù hợp lý, nhưng điều này có thể trái ngược với lập trường chính sách tiền tệ và khuyến khích nhà đầu tư chấp nhận rủi ro trong thời gian dài hơn”.
BIS cho biết, với lãi suất đã tăng nhanh trên toàn thế giới trong năm nay và thanh khoản trên thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ thấp hơn đáng kể so với giai đoạn hỗn loạn trước đó vào tháng 3/2020, việc giảm đòn bẩy đột ngột có thể dẫn đến rối loạn chức năng thị trường.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) rất nhạy cảm với cáo buộc rằng, việc can thiệp mua trái phiếu chính phủ của họ có thể cản trở nỗ lực kiềm chế lạm phát và trì hoãn kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán bằng cách bán tài sản. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã bắt đầu bán bớt tài sản trong năm nay, trong khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) dự kiến sẽ bắt đầu tranh luận về những việc cần làm với kho dự trữ trái phiếu của mình vào tuần tới trước khi bắt đầu chương trình bán tài sản vào năm 2023.
BIS chỉ ra rằng, các thị trường chứng khoán dựa trên tài sản thế chấp (MBS) ngày càng biến động là một lĩnh vực khác mang đến các mối đe dọa cho sự ổn định tài chính vì MBS đóng một vai trò quan trọng trong việc cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản Mỹ và cũng thường được xem là sản phẩm thay thế gần như cho trái phiếu Kho bạc Mỹ.
Trong cuộc khủng hoảng năm 2008 và khi thị trường rơi vào tình trạng căng thẳng sớm do đại dịch, Fed đã mua khối lượng lớn MBS để giúp hỗ trợ thị trường vào thời điểm các nhà đầu tư cá nhân đứng ngoài thị trường do lo ngại rủi ro.
Các nhà đầu tư cá nhân và các quỹ sử dụng đòn bẩy vốn có xu hướng “kém sẵn sàng hơn các ngân hàng trong việc cung cấp thanh khoản trong thời điểm căng thẳng”, nhưng giờ đây họ đã trở thành những người mua chính của những tài sản này. “Các ưu tiên của chính sách tiền tệ có thể gây khó khăn cho Fed để hỗ trợ thị trường MBS nếu cần thiết”, BIS cho biết.
Tuy nhiên, BIS thừa nhận rằng, một số căng thẳng tồi tệ nhất trên thị trường đã giảm bớt trong những tuần gần đây khi các nhà đầu tư điều chỉnh giảm kỳ vọng của họ về mức độ thắt chặt tiền tệ cần thiết để kiểm soát lạm phát, đồng đô la suy yếu và triển vọng năng lượng của châu Âu được cải thiện.
BIS cho biết, điều này đã dẫn đến sự cải thiện về tính thanh khoản của thị trường trái phiếu, vốn trước đó đã đạt mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với một nhóm các nền kinh tế tiên tiến.