BIS: Biến thể Omicron khiến các nhà hoạch định phải điều chỉnh chính sách cẩn thận
Hôm thứ Hai (6/12), Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết, biến thể Omicron mới được phát hiện sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách và thị trường tài chính không thể hạ thấp cảnh giác và sẽ phải điều chỉnh chính sách một cách cẩn thận.
Được mệnh danh là ngân hàng trung ương trong số các ngân hàng trung ương trên thế giới do thường xuyên tập hợp các nhà ra quyết định, BIS cho biết, biến thể Omicron đã gây ra sự sụt giảm trên các thị trường chứng khoán lớn và gia tăng sự không chắc chắn.
"Sự xuất hiện của Omicron cho thấy rằng, chúng ta không nên hạ thấp cảnh giác. Đây là lời nhắc nhở mới nhất mà chúng tôi phải thận trọng”, Claudio Borio, người đứng đầu Cục Kinh tế và Tiền tệ của BIS cho biết.
Khi sự không chắc chắn gia tăng về chi phí kinh tế và con người tiềm ẩn của biến thể mới, các thị trường tài chính toàn cầu cũng đang chờ xem liệu lạm phát gia tăng có thúc đẩy các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Ngân hàng Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tăng lãi suất hay không.
Báo cáo của BIS cho biết, các điều kiện tài chính đã được thắt chặt đối với nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi. Lợi tức trái phiếu chính phủ đã tăng, đặc biệt là bên ngoài châu Á mới nổi, trong khi sự suy yếu trên diện rộng của đồng tiền ở các quốc gia thị trường mới nổi đã làm gia tăng áp lực lạm phát.
Bên cạnh đó, biến thể Omicron có thể làm trầm trọng thêm các nút thắt của chuỗi cung ứng trong ngắn hạn và một số tác động đến hoạt động kinh tế là không thể tránh khỏi, đặc biệt là trong quý I/2022.
“Điều này tất nhiên làm cho sự đánh đổi mà các ngân hàng trung ương đang phải đối mặt phức tạp hơn một chút so với trước đây, mặc dù việc đối phó với những phức tạp như vậy là điều mà các nhà hoạch định chính sách ngày nay đã quen thuộc”, ông Claudio Borio cho biết.
BIS cho biết, các quy tắc quản lý tương tự như ngân hàng là cần thiết để ngăn các quỹ đầu tư gây bất ổn tài chính trong các cuộc khủng hoảng thị trường.
BIS cảnh báo, các nhà hoạch định chính sách có nguy cơ tụt lại đằng sau trong việc điều chỉnh các thực thể như quỹ đầu cơ, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm và quỹ thị trường tiền tệ, vốn chiếm một nửa hoạt động tài chính toàn cầu.
Các nền kinh tế mới nổi của châu Á cũng nên cải thiện việc giám sát rủi ro thanh khoản ngoại hối và làm cho việc bảo hiểm rủi ro tiền tệ linh hoạt hơn vì các khoản đầu tư bằng đồng USD ngày càng tăng khiến khu vực này dễ bị ảnh hưởng bởi biến động tiền tệ.
BIS cũng nhấn mạnh, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã ổn định bất chấp những khó khăn mà các thị trường mới nổi đang đối mặt và thách thức cụ thể đối với lĩnh vực bất động sản mà các nhà phát triển bất động sản như Tập đoàn Evergrande đang gặp khó khăn về tài chính.