Bịt lỗ hổng cách ly Covid-19 tại nhà, khách sạn

Việc nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines trong thời gian cách ly tại nhà đã ra ngoài ăn uống, đi học đã vi phạm nghiêm trọng quy định cách ly, phải bị xử lý nghiêm

Sáng 2-12, báo cáo về tình hình dịch Covid-19 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết s (bệnh nhân 1342) là nguồn lây cho 3 ca nhiễm tại TP HCM vừa qua. Trong thời gian tự cách ly, người này đã ra ngoài ăn trưa ở quận Phú Nhuận và đi học tại Trường ĐH Công nghệ TP HCM (Hutech) ở quận Bình Thạnh trong 2 ngày 21 và 22-11.

Vi phạm nghiêm trọng

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, bệnh nhân 1342 đã vi phạm nghiêm trọng trong cách ly tập trung cũng như tại nhà, trở thành nguồn lây bệnh.

Ngay sau khi phát hiện ca bệnh 1347 - nam giáo viên tiếng Anh, bạn của bệnh nhân 1342, TP HCM đã nhanh chóng truy vết lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gồm 800 người F1 (tiếp xúc gần). Đến nay, 737 người có kết quả âm tính và 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là bệnh nhân 1348 và 1349.

Theo ThS-BS Nguyễn Trí Dũng, Giám Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), trung tâm đã có hướng dẫn cụ thể cách ly tại nhà, nơi lưu trú, trong đó quy định chặt chẽ từng quy trình, điều khoản cho người được cách ly, người chung sống với người được cách ly.

Nhân viên y tế tại TP HCM lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 Ảnh: TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TP HCM

Nhân viên y tế tại TP HCM lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 Ảnh: TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TP HCM

Đối với người được cách ly phải chủ động, tự giác thực hiện các quy định sau: Chấp hành việc tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Phòng cách ly nên thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng. Tự theo dõi sức khỏe, đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày. Hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người khác. Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân: đeo khẩu trang đúng cách, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Thông báo tình trạng sức khỏe cho cán bộ y tế mỗi ngày. Thông báo ngay cho cán bộ y tế khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.

Đáng chú ý, người cách ly không được phép ra khỏi nhà, nơi lưu trú trong thời gian cách ly. Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng. Không ăn chung, dùng chung đồ dùng cá nhân, dụng cụ ăn uống với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú.

Không có trường hợp đặc cách

Vấn đề cách ly tại nơi cư trú cũng là nội dung được quan tâm tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội tổ chức ngày 2-12.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay hiện chúng ta rất lo ngại các vị khách nước ngoài, thành viên tổ bay cách ly ở khách sạn. Nếu không làm tốt việc cách ly này thì rất dễ như TP HCM hiện nay. "Với tổ bay, tôi được biết là Thủ tướng chỉ đạo phải cách ly đủ 14 ngày chứ không được cách ly 5-7 ngày, sau xét nghiệm âm tính là được về tự cách ly" - ông Sơn nói.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội băn khoăn một số trường hợp được cho là "đặc cách" khi vào Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết không có một quy định nào là đặc cách không xét nghiệm, kể cả các trưởng đoàn khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết ngay trong sáng 1-12, ban chỉ đạo đã kiểm tra khu cách ly tổ bay của Vietnam Airlines tại quận Long Biên. Ban chỉ đạo đã đề nghị các quận, huyện, thị xã phải quản lý tốt các cơ sở cách ly, đối tượng cách ly, nhất là tại các cơ sở lưu trú có thu phí và các cơ sở cách ly tổ bay. Phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở cách ly; thực hiện đầy đủ việc giám sát y tế đủ 14 ngày với người nhập cảnh sau khi hoàn thành cách ly tập trung; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm…

Sở Y tế Hà Nội cũng kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện cách ly tại nhà với người nhập cảnh, nhất là ở các chung cư. Thời gian qua, 5 đoàn kiểm tra của TP Hà Nội tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch ở các quận huyện và phát hiện một số tồn tại ở cơ sở cách ly vẫn chưa được khắc phục nên cần phải chấn chỉnh ngay.

Còn ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho hay ngành y tế rất băn khoăn với các trường hợp cách ly 14 ngày nhưng chỉ có 7 ngày ở nơi cách ly tập trung, còn lại 7 ngày cách ly tại nơi lưu trú. Bởi nhiều trường hợp cách ly ở nơi lưu trú không thực hiện nghiêm quy trình của Bộ Y tế.

Trả lời Báo Người Lao Động, PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng của Bộ Y tế, cho rằng để xảy ra sự việc lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng là lỗi của bệnh nhân 1342 khi không tuân thủ các nguyên tắc cách ly tại nhà của Bộ Y tế.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, việc đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi tập trung đông người và khi ra khỏi nhà cần thực hiện nghiêm túc. Mỗi người dân phải chủ động giữ khoảng cách với người khác.

"Việc cách ly tập trung hay cách ly tại nhà, nơi lưu trú chỉ có thể an toàn nếu các cá nhân cách ly cũng như đơn vị thực hiện cách ly tuân thủ chặt chẽ các quy định đã ban hành. Chúng ta phải giao trách nhiệm cách ly cho các đơn vị thực hiện cách ly, đồng thời phải phối hợp chính quyền địa phương, y tế địa phương biết tham gia vào việc giám sát, tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức người dân trong phòng dịch" - PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhấn mạnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bit-lo-hong-cach-ly-tai-nha-khach-san-20201202230220237.htm