Bịt 'lỗ hổng' đối với hoạt động dạy thêm?

Những ngày qua, dư luận đang nóng lên xung quanh thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn thảo thông tư hướng dẫn về việc dạy thêm của giáo viên. Xét về mặt pháp luật, đây có thể là thông tư trái quy định. Bởi Luật Giáo dục và các văn bản dưới Luật không có các quy định về dạy thêm, học thêm.

Những ngày qua, dư luận đang nóng lên xung quanh thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn thảo thông tư hướng dẫn về việc dạy thêm của giáo viên.

Dù câu chuyện dạy thêm, học thêm có nhiều góc nhìn, nhưng trong khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập trên góc độ chất lượng đào tạo; thu nhập và thuế. Như chúng ta đều biết, năm nào cũng vậy, cứ đến kỳ nghỉ hè hay khai giảng năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đều ban hành văn bản cấm thầy cô giáo tổ chức dạy thêm dưới mọi hình thức. Cấm là vậy, song trên thực tế, việc dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra bình thường.

Vì sao phải học thêm? Nhiều người cho rằng, tại phụ huynh muốn con mình có thành tích học tập tốt, nên phải học thêm. Phụ huynh có nhu cầu, thầy cô giáo sẽ đáp ứng. Cạnh đó, một số người lại lập luận, nhà giáo cũng là nghề, khi lương không đủ sống thì phải tổ chức dạy thêm. Còn một số phụ huynh khác lại cho rằng, cực chẳng đã mới phải cho con đi học thêm. Vì trường công lập quá thiếu, xét tuyển đầu cấp và cả đại học đều dựa trên kết quả thành tích học tập (bảng điểm).

Do đó, nếu không học thêm để có bảng điểm tốt, nếu không học thêm… cơ hội chọi vào trường công, vào đại học công lập quá khó. Trong khi với mặt bằng thu nhập còn tương đối thấp của đại bộ phận công chức, viên chức, người lao động, không phải gia đình nào cũng có tiền cho con mình đi học trường tư. Tình trạng học thêm, dạy thêm vì vậy cứ thế “nở hoa”.

Trở lại yếu tố lương và tình trạng dạy thêm. Thực ra, trừ khối quốc phòng, an ninh, hệ số lương của giáo viên so với mặt bằng chung của viên chức hiện nay cũng khá tương đối. Và để giáo viên sống được bằng lương, Chính phủ đã, đang và sẽ có những cải cách cơ chế tiền lương đối với đội ngũ giáo viên theo hướng cao hơn mặt bằng lương của đội ngũ viên chức các ngành, nghề lĩnh vực khác. Tuy nhiên, góc độ thu nhập, phải thừa nhận rằng, không có sự công bằng ngay trong chính nội bộ đội ngũ giáo viên.

Cụ thể, đối với giáo viên bậc tiểu học ở các đô thị lớn, những ai chủ nhiệm lớp 1 đa số đều mở lớp dạy thêm các cháu bậc mẫu giáo chuẩn bị chuyển cấp. Đối với bậc THCS, giáo viên dạy thêm chủ yếu là các môn toán, văn, ngoại ngữ. Đối với cấp THPT, ngoài các môn toán, văn, ngoại ngữ, còn được mở rộng thêm các môn lý, hóa… Còn những thầy, cô giáo dạy các môn khác, cơ hội được dạy thêm “rất hiếm”. Không có cơ hội dạy thêm, nên chủ yếu sống bằng lương, còn những thầy cô có cơ hội dạy thêm, thu nhập chính không phải từ tiền đứng lớp. Nói ngắn gọn, tiền dạy thêm là nguồn giúp giáo viên làm giàu.

Dạo qua thị trường dạy thêm ở Hà Nội, có những thầy cô có tên tuổi, chuyên các môn toán, văn, tiếng Anh… tiền dạy thêm có thể là hàng chục triệu đồng/tháng; thậm chí cả trăm triệu đồng/tháng. Tiền thu về là vậy, song Nhà nước cũng chưa có cơ chế kiểm soát thuế thu nhập. Trong khi, công chức, viên chức đi làm, nếu có mức thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng (chưa tính miễn trừ gia cảnh) đã thuộc diện phải nộp thuế thu nhập.

Câu chuyện đặt ra, nhân Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tính ban hành thông tư về dạy thêm, học thêm, vấn đề phải được đưa lên bàn “nghị sự”, những vấn đề trên sẽ được giải quyết ra sao?

Lê Hà

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bit-lo-hong-doi-voi-hoat-dong-day-them-175967.html