Thiếu nhi gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, đề cập đến áp lực học tập, bạo lực học đường...

Áp lực học tập, liên tục học thêm đến 8, 9 giờ tối mới đến nhà; tình trạng đuối nước dịp hè, bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em… là những thực trạng nhức nhối được đề cập tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh với trẻ em và đoàn đại biểu trẻ em tham dự phiên họp giả định Quốc hội lần thứ II năm 2024.

 Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh với trẻ em và đoàn đại biểu trẻ em tham dự phiên họp giả định Quốc hội lần thứ II năm 2024. Ảnh: Hoài Văn

Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh với trẻ em và đoàn đại biểu trẻ em tham dự phiên họp giả định Quốc hội lần thứ II năm 2024. Ảnh: Hoài Văn

Chương trình do Tỉnh Đoàn Quảng Nam tổ chức, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo tỉnh, ban, ngành và hơn 500 em học sinh.

 Chị Đặng Thị Bảo Trinh – Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Quảng Nam.

Chị Đặng Thị Bảo Trinh – Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Quảng Nam.

Chị Đặng Thị Bảo Trinh – Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Quảng Nam cho biết, những khoảng trống thực trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bị tai nạn thương tích đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của trẻ. Việc thực thi các quy định của pháp luật về quyền trẻ em vẫn còn nhiều bất cập. Những ẩn họa rình rập, đe dọa trẻ từ nhiều phía, không chỉ ở ngoài cộng đồng mà còn ở trong chính trường học, tại gia đình của trẻ - nơi tưởng như an toàn nhất.

Hội nghị là nơi để các bạn nhỏ có cơ hội nêu lên ý kiến, nguyện vọng của mình đến cơ quan, tổ chức có liên quan.

 Các em học sinh nêu câu hỏi tới lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Các em học sinh nêu câu hỏi tới lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Em Thùy Trang, đại diện cho trẻ em thành phố Tam Kỳ, nêu câu hỏi: "Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan", nhưng hiện nay ngoài việc học tập theo chương trình phổ thông tại trường, một số học sinh còn phải tham gia các lớp học thêm với cường độ dày đặc, có thể học liên tục đến 8, 9 giờ tối mới trở về nhà. Và hậu quả là các học sinh không có đủ thời gian nghỉ ngơi và ngày càng áp lực với việc học tập. Con xin hỏi các cấp, ngành liên quan có những giải pháp gì để giảm thiểu tình trạng nêu trên? Và xin được kiến nghị cần cải cách chương trình giảng dạy, bổ sung thêm các môn học phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng sống và khả năng sáng tạo để chúng em được học tập và phát triển một cách toàn diện nhất".

Trả lời câu hỏi, Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết, từ trước tới nay việc học thêm giúp trang bị thêm kiến thức, tuy nhiên hiện nay có tình trạng biến tướng, tiêu cực khiến xã hội bức xúc.

Vấn đề biến tướng trong dạy thêm, học thêm đã được đặt ra trong các kỳ họp Quốc hội. Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cũng đã chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT). “Bộ trưởng trả lời rằng nhận thấy trách nhiệm và tiếp tục chỉ đạo giải quyết nhưng hiện vẫn chưa triệt để. Hiện nay Bộ GD&ĐT đang triển khai thông tư lấy ý kiến nhân dân việc dạy thêm học thêm nhằm tăng cường quản lý, chống tiêu cực trong chương trình dạy thêm học thêm”, ông Phước nói.

Những năm qua các ngành chức năng quan tâm, dành công sức cho chương trình đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra sự chuyển biến toàn diện cho nền giáo dục, nâng cao chất lượng, hài hòa về đức - trí - thể - mỹ.

“Tuy vậy đổi mới giáo dục chưa giảm được áp lực cho học sinh. Vấn đề này đại biểu đã kiến nghị nhưng Bộ GD&ĐT chưa có cách giải quyết thấu đáo. Sắp tới sẽ tiếp tục kiến nghị làm sao giảm tải áp lực chương trình học tập cho học sinh và tăng thêm môn học kỹ năng”, ông Phước nói.

Tại hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành cũng giải đáp nhiều vấn đề liên quan, thông tin cụ thể về những quy định của pháp luật đối với tình trạng trẻ em bị xâm hại, giải pháp giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường; đuối nước ở trẻ em, cách bảo vệ trẻ trước những mối nguy từ mạng xã hội…

Ông Nguyễn Công Thanh – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương, tổ chức Đoàn Thanh niên và các tổ chức chính trị - xã hội nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của em học sinh nêu. Đồng thời căn cứ chức năng nhiệm vụ để tham mưu, chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Ông Thanh cũng đề nghị các địa phương phải rà soát các công trình thiết chế văn hóa trên địa bàn, đầu tư xây dựng đối với các công trình đã xuống cấp; xây dựng các khu vui chơi; ưu tiên bố trí nguồn ngân sách và huy động mọi nguồn lực để thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em và hỗ trợ cho trẻ em...

Hoài Văn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thieu-nhi-gap-go-lanh-dao-tinh-quang-nam-de-cap-den-ap-luc-hoc-tap-bao-luc-hoc-duong-post1672921.tpo