Bịt lỗ hổng trong đấu giá tài sản, tránh lũng đoạn thị trường
Liên quan đến việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc khu đất trúng đấu giá tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngày 13/11, trao đổi với phóng viên TTXVN, nhiều luật sư cho rằng vụ việc tác động xấu, để lại những tiền lệ không tốt đến thị trường bất động sản nếu không có các giải pháp 'bịt các lổ hổng' pháp lý liên quan.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Luật sư Trương Hồng Điền, Văn phòng luật sư Xuân Phú (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, phiên đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua được Sở Tư pháp Tp. Hồ Chí Minh tổ chức đấu giá theo phương thức trả giá lên, đưa ra giá khởi điểm thấp nhất nên trong trường hợp này không có quy định về mức giá cao tối đa.
Cốt lõi trong vụ việc ở Thủ Thiêm là có hay không việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh không đủ năng lực tài chính để tham gia thực hiện đầu tư dự án tại vị trí đấu giá, cũng như có hay không hành vi cố ý trúng đấu giá rồi bỏ cọc, nhằm mục đích thổi giá đất tại khu vực Thủ Thiêm và các dự án bất động sản khác.
Hành vi này làm méo mó thị trường bất động sản, vì sau việc trúng đấu giá đến 2,45 tỷ đồng/m2 sẽ dẫn đến “sốt”giá đất dự án, thị trường rất khó xác định mức giá bất động sản hợp lý. Cơ quan Nhà nước tổ chức các phiên đấu giá đất tiếp theo sẽ chịu áp lực trong việc thẩm định giá quyền sử dụng đất sát với thị trường, để đảm bảo tối đa quyền lợi cho ngân sách nhưng vẫn đảm bảo thị trường bất động sản không bị thổi “bong bóng” và nhà đầu tư sẵn sàng tham gia vì thấy có lợi nhuận.
Bàn về cơ chế nào kiểm soát năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá, Luật sư Trương Hồng Điền cho rằng, Luật Đấu giá tài sản 2016 chưa có quy định ràng buộc người tham gia đấu giá phải nộp kèm các tài liệu chứng minh năng lực tài chính, khả năng được cấp tín dụng từ ngân hàng. Do đó, đây là lỗ hổng cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể, cần thiết có quy định người tham gia đấu giá phải chứng minh năng lực tài chính, khả năng được cấp tín dụng từ ngân hàng tối thiểu bằng với giá khởi điểm của tài sản được đưa ra, cùng với việc chứng minh có khả năng tài chính và khả năng thực hiện dự án nếu trúng đấu giá, phù hợp với quy hoạch tại vị trí có quyền sử dụng đất bán đấu giá. Có như vậy như vậy mới phù hợp với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 119 Luật Đất đai 2013.
Để lấp chỗ hổng đó, cần thiết sửa Luật Đấu giá tài sản 2016 về nghĩa vụ chứng minh năng lực tài chính để tham gia đấu giá và năng lực thực hiện dự án sau khi trúng đấu giá của người đăng ký tham gia đấu giá.
Nếu chưa thể sửa luật kịp thì có thể căn cứ điểm b khoản 2 Điều 119 Luật Đất đai 2013 yêu cầu người đăng ký tham gia đấu giá phải chứng minh năng lực thực hiện dự án nếu trúng đấu giá. Điều này sẽ tránh trường hợp doanh nghiệp không có năng lực tài chính, năng lực thực hiện dự án nhưng vẫn tham gia đấu giá với mức rất cao, dẫn tới khả năng trục lợi từ việc tăng nóng giá đất tại nhiều vị trí có dự án bất động sản, làm méo mó thị trường. Bên cạnh đó, công việc thẩm định giá để đưa ra mức giá khởi điểm phù hợp cũng rất quan trọng, cần được tiến hành công khai, minh bạch và có sự tư vấn từ Hiệp hội Bất động sản.
Về trách nhiệm của ngân hàng thương mại, nếu đồng ý cấp tín dụng cho người tham gia đấu giá, khi xét duyệt cấp tín dụng có quyền yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính, mục đích sử dụng vốn hợp pháp và biện pháp bảo đảm tiền vay.
Đồng thời, phía ngân hàng phải tiến hành thẩm định trước khi quyết định cấp tín dụng, nếu người có nhu cầu cấp tín dụng để tham gia đấu giá và thực hiện dự án không đủ điều kiện như quy định trên thì tổ chức tín dụng không được duyệt cho vay.
“Hiện nay, Tập đoàn Tân Hoàng Minh chưa có văn bản chính thức đối với cơ quan nhà nước Tp. Hồ Chí Minh về việc từ chối kết quả trúng đấu giá, nhưng nếu việc này xảy ra sẽ dẫn đến việc mất tiền đặt trước theo quy định tại điểm đ khoản 6 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản 2016. Trong sự việc trên, nếu Tập đoàn Tân Hoàng Minh từ chối kết quả trúng đấu giá sau phiên đấu giá, quyền sử dụng đất được bán đấu giá sẽ hoàn trả lại cho Trung tâm Quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh quản lý và tổ chức buổi đấu giá công khai tiếp theo”, Luật sư Trương Hồng Điền nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư Tp. Hồ Chí Minh cho biết, nếu người trúng đấu giá đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và hợp đồng mua bán tài sản đấu giá không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu, người có tài sản đấu giá có quyền hủy bỏ hợp đồng theo Khoản 6 Điều 33 Luật Đấu giá 2016; đồng thời, người trúng đấu giá bị xử lý vi phạm theo quy định của hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và quy định pháp luật.
Nếu trong cuộc đấu giá mới mà có giá thấp hơn kết quả trước đây thì chính quyền có quyền yêu cầu (trong thời hiệu khởi kiện) người trúng đấu giá đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bồi thường số tiền chênh lệch giữa giá trúng đấu giá mới và giá cũ. Chính quyền cũng có quyền yêu cầu bên trúng đấu giá đơn phương chấm dứt hợp đồng phải thanh toán chi phí phát sinh.
Trước đó ngày 10/1, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh (có doanh nghiệp thành viên trúng đấu giá lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm) có tâm thư gửi Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; trong đó, thể hiện việc “xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 Khu chức năng số 3 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm và chấp nhận chịu mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản công".
Tiếp đó vào ngày 11/1, Tập đoàn Tân Hoàng Minh ra thông cáo báo chí cho biết, sẽ có văn bản chính thức gửi UBND Tp. Hồ Chí Minh để báo cáo và gửi Trung tâm Quỹ đất, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Thành phố đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản khu đất nói trên.
Theo đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh, sau khi đấu giá thành công, ban lãnh đạo Tập đoàn đã lắng nghe và ghi nhận các ý kiến phân tích từ cơ quan quản lý nhà nước và dư luận; trong đó, có những ý kiến cho rằng, kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt. Đặc biệt sau khi tiếp thu ý kiến nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp Quốc hội bất thường vừa qua, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đánh giá và nhận thấy, việc trúng đấu giá với kết quả trên có thể dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung.
Vào ngày 10/12/2021, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã trúng đấu giá ô đất 10.060 m2 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá 24.500 tỷ đồng (tương đương 2,45 tỷ đồng/m2). Đến ngày 6/1, Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh có thông báo nộp tiền sử dụng đất đối với các doanh nghiệp đã trúng đấu giá các khu đất trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm; trong đó có Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt.
Theo thông báo của Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh, chậm nhất 30 ngày kể từ ngày phát hành thông báo (6/1), người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất. Chậm nhất 90 ngày kể từ ngày phát hành thông báo, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng còn lại.
Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật, quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế mà người trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá thì vi phạm hợp đồng mua bán. Khi đó, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Tp. Hồ Chí Minh sẽ thông báo về việc không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá để Trung tâm Phát triển quỹ đất báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND Thành phố hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.
Người trúng đấu giá không nộp hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá theo thời gian trên sẽ không được nhận lại tiền đặt trước (20% so với giá khởi điểm). Tiền đặt trước này sẽ nộp vào ngân sách nhà nước.
Ông Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm hiện tại Thành phố chỉ mới nhận được tâm thư của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, văn bản chính thức (về việc bỏ cọc) phía Thành phố chưa nhận được, khi nhận được sẽ báo cáo lãnh đạo UBND Thành phố và thông tin công khai đến cơ quan báo chí.