Bitcoin có phải là 'két giữ tiền an toàn' trong thời kỳ khủng hoảng Covid-19?
Covid-19 đã thúc đẩy sự thay đổi trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Thế hệ người tiêu dùng trẻ thích Bitcoin hơn vàng có thể báo hiệu một xu hướng mới trong tương lai.
Bitcoin, đồng tiền mã hóa được giao dịch rộng rãi nhất hiện nay, chưa bao giờ là khoản đầu tư cho người yếu tim. Vào ngày 18 tháng 12 năm 2017, giá trị đồng tiền này đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 19.511 USD để đáp lại làn sóng mua vào điên cuồng của những người đam mê tiền mã hóa. Đồng tiền này thu hút nhà đầu tư bởi tính phân cấp và số hóa của công nghệ Blockchain – vốn là nền tảng cho các loại tiền mã hóa.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 1 năm 2018, Bitcoin đã mất gần 50% giá trị của nó và kết thúc năm giao dịch ở mức dưới 4.000 USD. Nhiều nhà đầu tư tổ chức đã từng hy vọng rằng mô hình hợp đồng tương lai Bitcoin sẽ giúp bảo vệ nhà đầu tư khỏi những rủi ro biến động về giá, nhưng có vẻ như họ đã lầm. Nhiều người đã rời bỏ Bitcoin.
Nhưng sau 2 năm, sự cuồng nhiệt với Bitcoin đã trở lại. Vào hôm thứ Tư (25/11), đồng tiền mã hóa này đã đạt được giá trị đáng chú ý khi vượt qua mức cao kỷ lục của nó. Theo trang web CoinMarketCap, giá trị đồng Bitcoin đã tăng hơn 160% kể từ đầu năm nay.
Trong khi tiền mã hóa vẫn là một loại tài sản mới mẻ và nhiều nhà đầu tư vẫn chưa tham gia vào thị trường tiền mã hóa, thì Bitcoin - với vốn hóa thị trường khoảng 354 tỉ USD (chiếm gần 2/3 vũ trụ tiền mã hóa) - đang được hưởng lợi từ một số động lực mới.
Một trong số đó là sự gia tăng các nhà đầu tư tổ chức. Ngoài ra, người ta cũng dần chấp nhận Bitcoin như một loại tiền tệ thay thế trong các giao dịch. Phố Wall đang dần đưa tiền mã hóa vào nền tài chính chính thống.
Các công ty quản lý quỹ nổi tiếng, trong đó có Fidelity Investments, đang mạo hiểm vào lĩnh vực tiền mã hóa. Số lượng hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn Bitcoin đã tăng mạnh kể từ đầu năm nay, giúp các nhà đầu tư dễ dàng tiếp xúc với tiền mã hóa hơn. Hơn nữa, để thúc đẩy thị trường non trẻ, công ty cung cấp dịch vụ thanh toán PayPal và Square đã chấp nhận các mã thông báo kỹ thuật số, mở đường cho việc thâm nhập thị trường thanh toán tiêu dùng của họ.
Sự thay đổi thói quen tiêu dùng quan trọng nhất đến từ dịch Covid-19. Đại dịch diễn ra trên toàn cầu đã thúc đẩy sự thay đổi từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán kỹ thuật số. Một số nhà phân tích đầu tư tin rằng virus Corona đang đóng vai trò như một chất xúc tác để Bitcoin thách thức vị thế của vàng. Đồng tiền mã hóa này được cho là có thể chống lại những mối đe dọa từ lạm phát và sự sụt giá liên tục của đồng đô la Mỹ.
Trong một báo cáo được công bố vào ngày 23 tháng 10, hãng phân tích JPMorgan lập luận rằng có một “sự tăng giá dài hạn cho Bitcoin” đáng kể khi vai trò của những người tiêu dùng thuộc thế hệ thiên niên kỷ - những người thích Bitcoin hơn vàng như một loại tiền tệ thay thế - trong cộng đồng đầu tư sẽ tăng lên trong những năm tới, có khả năng dẫn đến tình trạng Bitcoin "lấn át vàng như một loại tiền tệ" thay thế.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích tài chính Nicholas Spiro - viết trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng - thì Bitcoin đã nổi lên trong thời gian gần đây nhưng không có dấu hiệu cho thấy nó là một “két giữ tiền” an toàn. Mặc dù các phương tiện truyền thống như vàng và trái phiếu chính phủ đang tỏ ra không hiệu quả trong việc bảo vệ các nhà đầu tư khỏi thua lỗ trên thị trường chứng khoán, nhưng Bitcoin ít khả năng trở thành kho lưu trữ giá trị nhất, vì mấy lý do sau đây:
Thứ nhất, tiền mã hóa nổi tiếng là dễ bay hơi. Giao dịch hầu như được thúc đẩy bởi cảm tính thay vì các nguyên tắc cơ bản. Thay vì cung cấp một nơi trú ẩn an toàn, Bitcoin đã được giao dịch như một loại tài sản rủi ro. Trong đại dịch Covid-19 xảy ra vào tháng 3, tài sản tiền mã hóa giảm mạnh, sau đó tăng trở lại cùng với các tài sản rủi ro khác.
Thực tế là mục tiêu giá của Bitcoin nằm trong khoảng từ 25.000 USD đến hơn 300.000 USD vào cuối năm 2021 phản ánh sự sôi động trên thị trường ngày nay hơn là định giá đồng tiền ảo này. Bitcoin, giống như các tài sản rủi ro khác, đã bị cuốn theo sự lạc quan xung quanh một loại vắc xin Covid-19 có thể ra mắt trong thời gian tới.
Thứ hai, trong khi thị trường tiền mã hóa trong 3 năm qua đã trở nên trưởng thành hơn cả về khía cạnh tài chính và các quy định, thì việc giám sát các sàn giao dịch chính vẫn còn chắp vá và đã có rất nhiều trường hợp gian lận xảy ra. Hơn nữa, mặc dù việc sử dụng Bitcoin ngày càng nhiều nhưng nó vẫn còn hạn chế trong các giao dịch hàng ngày. Chủ tài khoản PayPal ở Mỹ có thể mua, bán và cất giữ tiền mã hóa, nhưng họ chưa thể dùng tiền mã hóa để giao dịch online với các shop.
Chắc chắn, Bitcoin và công nghệ nền tảng blockchain của nó đang được ngày càng nhiều nhà đầu tư và công ty dịch vụ tài chính nổi tiếng coi trọng. Phản ứng của các chính phủ đối với đại dịch Covid-19 đã mang lại cho thị trường tiền mã hóa một cuộc sống mới. Nhưng coi Bitcoin như một thiên đường giao dịch là một sự lạc quan tếu.