Bitcoin sẽ giúp Mỹ duy trì vị thế bá chủ tài chính
Khi thế giới đua nhau phát triển tiền số, Mỹ không đứng ngoài cuộc và đang 'đặt cược' vào Bitcoin, không chỉ để dẫn đầu cuộc cách mạng tài chính mà còn nhằm bảo vệ vị thế siêu cường kinh tế của mình.

Mỹ muốn dẫn đầu cuộc cách mạng tiền số, chứ không phải chạy theo
Nếu như trước đây, nhiều nhà lập pháp Mỹ tỏ ra hoài nghi, thậm chí thù địch với tài sản mã hóa do lo ngại rửa tiền và tài trợ khủng bố, thì giờ đây cuộc chơi đã thay đổi hoàn toàn. Thượng viện Mỹ vừa thông qua Đạo luật Genius (khung pháp lý cho các loại tiền điện tử gắn với USD - stablecoin), trong khi Tổng thống Donald Trump bày tỏ sự ủng hộ dự luật Bitcoin. Đây không chỉ là sự thay đổi chính sách mà còn là tuyên bố rõ ràng rằng, Mỹ muốn dẫn đầu cuộc cách mạng tiền số, chứ không phải chạy theo.
Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis, một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn đến chính sách tài chính và an ninh quốc gia, cho rằng Mỹ phải dẫn đầu trong đổi mới với Bitcoin và tài sản số. Nếu không, điều bị đe dọa không chỉ là một loại tài sản mới, mà còn là tương lai của chủ quyền tài chính và khả năng cạnh tranh quốc gia.
Để hiểu vì sao Mỹ đột nhiên “nghiêm túc” với Bitcoin, cần nhìn vào cuộc đua không khoan nhượng đang diễn ra trên toàn cầu. Trung Quốc đã ra mắt đồng Nhân dân tệ số từ năm 2020 và đang thử nghiệm rộng rãi, tạo ra hệ thống thanh toán có thể thách thức mạng lưới chuyển tiền quốc tế SWIFT do Mỹ kiểm soát. Liên minh châu Âu cũng phát triển Euro số, dự kiến ra mắt năm 2026, cùng với quy định thị trường tài sản tiền điện tử (MiCA) nhằm tạo khung pháp lý toàn diện, có thể thu hút các công ty crypto khỏi Mỹ.
Trong bối cảnh đó, nếu Mỹ không hành động, nước này có nguy cơ mất vị thế trong lĩnh vực có thể định hình lại toàn bộ hệ thống tài chính thế giới. Và Bitcoin, với đặc tính phi tập trung và chống kiểm duyệt, trở thành lựa chọn hoàn hảo để Mỹ thể hiện các giá trị cốt lõi mà họ luôn tự hào: tự do cá nhân, minh bạch và cạnh tranh công bằng.
Đạo luật Genius, dù chỉ tập trung vào stablecoin, đã tạo ra tiền lệ quan trọng: Mỹ sẽ quản lý thị trường bằng quy định thay vì cấm đoán. Đạo luật này không chỉ tạo khung pháp lý rõ ràng cho stablecoin, mà còn thiết lập cơ chế giám sát cả cấp bang lẫn liên bang, bảo vệ người tiêu dùng mà không kìm hãm đổi mới. Đây chính là chiến lược “biến USD thành xương sống của hệ sinh thái tiền mã hóa (cryptocurrency)”, thay vì tạo ra đồng tiền số riêng như nhiều quốc gia khác.
Tuy nhiên, như Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis nhấn mạnh, “đây chỉ là khởi đầu”. Mỹ đang chuẩn bị một loạt cải cách toàn diện, bao gồm dự luật Lummis-Gillibrand về tài sản kỹ thuật số, phân định rõ ràng giữa crypto commodity (hàng hóa mã hóa) và crypto securities (tài sản được chứng khoán hóa).
Không chỉ vậy, nhiều bang của Mỹ cũng đang tạo môi trường thuận lợi cho tiền mã hóa như tiểu bang Wyoming đã ban hành hơn 30 luật về tài sản số, tạo khung pháp lý toàn diện cho ngân hàng blockchain và tài chính token hóa, thu hút nhiều công ty tiền số lớn chuyển trụ sở đến đây.
Lợi ích kinh tế từ việc dẫn đầu về Bitcoin không chỉ là vấn đề uy tín. Thị trường tiền số toàn cầu hiện có vốn hóa khoảng 2.300 tỷ USD, việc tạo môi trường thuận lợi sẽ thu hút một phần đáng kể dòng vốn này về Mỹ. Ngành blockchain và crypto được dự báo sẽ tạo ra hàng triệu việc làm mới trong thập kỷ tới, từ lập trình viên đến luật sư chuyên ngành. Các giao dịch crypto cũng tạo nguồn thuế đáng kể cho ngân sách.
Quan trọng hơn cả, Bitcoin có thể trở thành “tài sản dự trữ an toàn và chống kiểm duyệt” - giải pháp thay thế vàng và bổ sung cho USD trong vai trò tiền tệ dự trữ toàn cầu. Thông qua stablecoin gắn với USD và Bitcoin, Mỹ có thể mở rộng ảnh hưởng của đồng USD tới những thị trường mà hệ thống ngân hàng truyền thống chưa tiếp cận được.
Tất nhiên, việc “ôm ấp” Bitcoin cũng đi kèm rủi ro. Bitcoin vẫn là tài sản có độ biến động cao, và việc biến nó thành “tài sản dự trữ” có thể tạo rủi ro cho nền kinh tế. Vấn đề tiêu thụ năng lượng của hoạt động đào Bitcoin cũng có thể xung đột với mục tiêu môi trường. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy lo ngại về rửa tiền và tài trợ khủng bố có phần phóng đại, khi tỷ lệ hoạt động bất hợp pháp trong thị trường này chỉ dưới 1%.
Nếu thành công, Mỹ có thể trở thành quốc gia “siêu cường tiền số” đầu tiên trên thế giới. Các sàn giao dịch, ví và công ty dịch vụ tiền số lớn nhất sẽ đặt trụ sở tại Mỹ. Các lập trình viên, doanh nhân tiền số hàng đầu sẽ đến đây để khởi nghiệp. Quan trọng nhất, Mỹ sẽ có tiếng nói quyết định trong việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật và pháp lý cho thị trường tiền số toàn cầu.