Thu ngân sách nhà nước tăng mạnh phản ánh 'sức khỏe' thật của nền kinh tế

Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2025 đạt 67,7% dự toán, tăng mạnh 28,3% so cùng kỳ, phản ánh sự phục hồi và phát triển kinh tế tích cực, trong đó thu nội địa và thu từ các lĩnh vực trọng điểm tăng trưởng vượt bậc.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Phương Anh

Số thu tương đương 67,7% dự toán

Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2025, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1,332 triệu tỷ đồng, tương đương 67,7% dự toán và tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 61,3%, còn thu ngân sách địa phương đạt 74,7% dự toán.

Trong cơ cấu thu, thu nội địa 6 tháng đạt 1,158 triệu tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán và tăng 33,3% so cùng kỳ. Thu tiền sử dụng đất đạt 244.000 tỷ đồng, gần hoàn thành dự toán và tăng mạnh 167% do các địa phương tích cực triển khai các giải pháp về thẩm định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và đấu giá đất từ cuối năm 2024. Thu xổ số kiến thiết đạt 65,3% dự toán, tăng 14,1%. Thu cổ tức, lợi nhuận của Ngân hàng Nhà nước cũng tăng 45,1%, đạt 82,5% dự toán.

Các khoản thu khác như thu hồi vốn đầu tư tại các tổ chức kinh tế đạt 4.200 tỷ đồng, dù giảm 75,4% so với cùng kỳ do đặc thù thu hồi vốn từ các doanh nghiệp cổ phần hóa trước đây. Thu thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 266.000 tỷ đồng, bằng 73,5% dự toán, tăng 22,1%, trong đó có sự đóng góp từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản tăng 84%. Thuế giá trị gia tăng đạt 170.000 tỷ đồng, bằng 53,1% dự toán, tăng 7,6%, bao gồm cả khoản thuế gia hạn năm 2024. Thu tiền thuê đất đạt 31.000 tỷ đồng, bằng 88,2% dự toán, tăng gần 46%, trong đó có nhiều khoản thu lớn từ các dự án bất động sản lớn.

Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, nhiều khoản thu tăng trưởng nổi bật cho thấy tín hiệu tích cực từ nền kinh tế, với sự phục hồi và tăng trưởng ổn định, tạo đà cho việc hoàn thành các mục tiêu thu ngân sách trong năm.

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 149.000 tỷ đồng, bằng 63,3% dự toán, tăng 6,5% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong kỳ thống kê tháng 6 (15/5 - 15/6) đạt khoảng 68,5 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch nhập khẩu chịu thuế tăng 4,5%. Một số mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh góp phần tăng nguồn thu ngân sách như nguyên liệu, máy móc thiết bị tăng 7,3% (tăng thu 12.300 tỷ đồng); ô tô nguyên chiếc tăng 49,3% (tăng thu 7.800 tỷ đồng); hàng điện gia dụng tăng 825 tỷ đồng.

Riêng thu từ dầu thô, dự toán năm là 53.000 tỷ đồng, tuy nhiên 6 tháng đầu năm mới thu được 25.000 tỷ đồng, bằng 46,3% dự toán và giảm 16,7% so cùng kỳ do giá dầu bình quân và sản lượng khai thác đều giảm so với năm trước.

Đẩy mạnh chuyển đổi số công tác thu

Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2025. Bộ Tài chính tập trung tăng cường công tác quản lý thu, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế và hải quan, từng bước tích hợp toàn bộ hoạt động quản lý thuế lên môi trường số, đồng thời cung cấp các dịch vụ thuế dựa trên nền tảng công nghệ số.

Dự kiến tăng thu ngân sách nhà nước năm 2025 ít nhất 15%

Phát biểu trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, để bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính dự kiến tăng thu ngân sách nhà nước năm 2025 ít nhất 15% so với dự toán.

Chất lượng dịch vụ thuế điện tử được nâng cao với việc mở rộng khai thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, thông báo và cảnh báo nợ thuế; tăng cường hỗ trợ người nộp thuế qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Việc mở rộng sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được triển khai trong các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ ăn uống, nhà hàng khách sạn theo chuỗi, kinh doanh xăng dầu, vàng. Đồng thời, Bộ Tài chính xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) để quản lý thuế, nợ thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế, đồng thời tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu với Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước.

Về công tác quản lý thuế, hải quan, phí và lệ phí, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo tăng cường quản lý thu ngân sách, mở rộng cơ sở thu, đặc biệt là các lĩnh vực thương mại điện tử và dịch vụ ăn uống. Việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý thuế cần được đẩy nhanh, đồng thời nghiên cứu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ chi phí mua máy tính tiền cho hộ kinh doanh nhằm hạn chế thất thu thuế và nâng cao hiệu quả quản lý.

Công tác chống thất thu được đẩy mạnh tại các lĩnh vực và địa bàn trọng điểm còn nhiều rủi ro như đất đai, kinh doanh bất động sản, xăng dầu, vàng, thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới và hộ kinh doanh thuế khoán. Bộ Tài chính cũng tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để triển khai cao điểm đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Song song đó, các hoạt động thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc nhằm xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, trốn thuế; đồng thời đôn đốc thu hồi đầy đủ, kịp thời các khoản nợ thuế và khoản phải thu vào ngân sách nhà nước theo kết luận của cơ quan Thanh tra và Kiểm toán Nhà nước.

Gói hỗ trợ hơn 232.600 tỷ đồng về thuế, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế

Trước những khó khăn đang đặt ra cho doanh nghiệp và nền kinh tế, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu, đề xuất và ban hành nhiều chính sách miễn, giảm và gia hạn thuế, phí, lệ phí cùng tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội. Tổng quy mô các chính sách này lên tới khoảng 232.600 tỷ đồng, trong đó giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 116.500 tỷ đồng và gia hạn thuế, tiền thuê đất khoảng 116.100 tỷ đồng.

Cụ thể, từ đầu năm 2025, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng áp dụng cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ trong 6 tháng đầu năm dự kiến giảm khoảng 26.100 tỷ đồng. Tiếp đó, chính sách tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 dự kiến giảm khoảng 121.700 tỷ đồng. Ngoài ra, giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn ước tính giảm 44.000 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất khoảng 102.000 tỷ đồng; đồng thời giảm phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến từ 10% đến 50% với quy mô khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm...

Trong 5 tháng đầu năm 2025, tổng giá trị miễn, giảm và gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đạt khoảng 107.700 tỷ đồng, trong đó giảm 49.900 tỷ đồng và gia hạn 57.800 tỷ đồng. Kết quả này đã góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành nghiên cứu và trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thêm các chính sách mới theo thẩm quyền, như Nghị quyết điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân và Nghị định giảm tiền thuê đất năm 2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Những chính sách này không chỉ mang tính ngắn hạn giúp tháo gỡ khó khăn trước mắt, mà còn hướng tới mục tiêu dài hạn trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thu-ngan-sach-nha-nuoc-tang-manh-phan-anh-suc-khoe-that-cua-nen-kinh-te-179475.html