Biwase được vinh danh trong Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất 2023 của Forbes Việt Nam
Lễ vinh danh 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2023 do Forbes Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh doanh lần thứ 11 với chủ đề 'Đổi mới mô hình tăng trưởng'.
50 doanh nghiệp ưu tú nhất của nền kinh tế năm qua đã mang về tổng lợi nhuận sau thuế 228.096 tỷ đồng, tăng 18% so với danh sách năm 2022 và tổng doanh thu 1.490.453 tỷ đồng, tăng 24,9%, theo Forbes Việt Nam.
Các công ty niêm yết trên HSX và HNX được đánh giá qua nhiều giai đoạn để thực hiện Danh sách 50 Công ty niêm yết tốt nhất năm 2023.
Ở vòng loại, các công ty phải đáp ứng các điều kiện: có lãi năm 2022, có doanh thu và vốn tối thiểu 500 tỷ đồng. Ở vòng tiếp theo, các công ty được đánh giá định lượng dựa trên 5 tiêu chí: doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ ROE, ROC và tốc độ tăng trưởng kép của tăng trưởng EPS giai đoạn 2018 – 2022 với sự hỗ trợ tính toán định lượng của công ty Chứng khoán SSI. Forbes Việt Nam sau đó tiến hành một nghiên cứu định tính để đánh giá sự phát triển bền vững của công ty bao gồm vị thế của công ty trong ngành, nguồn lợi nhuận, chất lượng quản trị công ty, triển vọng của ngành…
Trong đó, CTCP - Tổng Công ty nước – Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE – sàn HoSE đã vinh dự được vinh danh là 1 trong 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2023.
Biwase tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, sau đó cổ phần hóa và chính thức niêm yết trên sàn HoSE từ năm 2017 tới nay. Hiện tại, hoạt động trong lĩnh vực cấp nước, xử lý rác thải … Trong đó, hệ thống nhà máy nước đạt công suất tối đa 1 triệu m3/ngày đêm với 7 nhà máy cấp nước sử dụng nguồn nước từ hai con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn với mạng lưới cấp nước bao phủ toàn tỉnh Bình Dương với diện tích 2.694 km2 và một phần tỉnh Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh.
Điểm nổi bật, kể từ trước cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán, Biwase liên tục giảm được tỷ lệ thất thoát nước. Trong đó, nếu như năm 2010 với tỷ lệ thất thoát nước là 9,7% thì tới năm 2022 chỉ còn 5%. Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ nước liên tục tăng, nếu như năm 2010 chỉ đạt 43 triệu m3 thì tới năm 2022 đã lên tới 181 triệu m3 được tiêu thụ.