Black Friday là gì và tại sao người tiêu dùng lại 'mê' ngày lễ mua sắm này đến vậy?

Black Friday, thường diễn ra vào ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn tại Mỹ, là khởi đầu cho mùa mua sắm cuối năm ở nhiều quốc gia. Ngày này được biết đến với những đợt giảm giá lớn và ưu đãi hấp dẫn tại các cửa hàng và trang thương mại điện tử, thu hút hàng triệu người mua sắm trên toàn cầu…

Không phải ai cũng biết rằng thuật ngữ "Black Friday" ban đầu mang ý nghĩa không mấy tích cực. Vào những năm 1950, cảnh sát ở Philadelphia đã sử dụng cụm từ này để mô tả sự hỗn loạn diễn ra ngay sau Lễ Tạ ơn, khi dòng người từ khắp nơi đổ về thành phố để tham dự trận đấu bóng đá thường niên giữa Lục quân và Hải quân. Sự kiện này này đã gây ra tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng và khiến cảnh sát phải làm việc tới kiệt sức, khiến ngày này trở thành một "ngày đen tối" đối với họ.

Tuy nhiên, đến thập niên 1960, thuật ngữ này bắt đầu lan rộng ra ngoài phạm vi Philadelphia. Các nhà bán lẻ đã quyết định thay đổi ý nghĩa của "Black Friday”, nhấn mạnh rằng đây là thời điểm mà người dân đổ ra đường phố và giúp các cửa hàng bắt đầu thu được lợi nhuận, hay còn gọi là "đi vào vùng đen" (go into the black); thay vì chịu lỗ, tức là “trong vùng đỏ" (in the red). Cách diễn giải mới này đã mang lại một góc nhìn tích cực hơn, tạo tiền đề để ngày thứ Sáu này trở thành một lễ hội mua sắm mà chúng ta biết ngày nay.

Vào giai đoạn những năm 80, Black Friday được định hình như sự kiện mua sắm lớn nhất tại nước Mỹ. Hầu hết các nhà bán lẻ đều tung ra hàng loạt chương trình giảm giá lớn, ưu đãi "cực sốc" và kéo dài giờ mở cửa để thu hút khách hàng. Tâm trạng hào hứng xoay quanh Black Friday ngày càng lan tỏa và những hình ảnh truyền thông về cảnh người dân xếp hàng dài, chen lấn mua sắm càng làm tăng thêm sức hút. Một số cửa hàng thậm chí mở bán ngay sau bữa tối Lễ Tạ ơn và tạo nên làn sóng phấn khích chưa từng có.

 Người dân Mỹ tấp nập mua sắm vào ngày Black Friday

Người dân Mỹ tấp nập mua sắm vào ngày Black Friday

Niềm vui “săn sale” đã trở thành một truyền thống thường niên, biến Black Friday thành sự kiện không thể bỏ lỡ trong mùa mua sắm cuối năm.

Và với sự phát triển của thương mại điện tử vào đầu những năm 2000, Black Friday đã trải qua một cuộc “cách mạng số hóa”. Các tập đoàn bán lẻ như Amazon khiến việc mua sắm trở nên dễ dàng hơn, giúp người tiêu dùng tận dụng ưu đãi ngay tại nhà, từ đó dẫn đến sự bùng nổ doanh số trực tuyến. Những thay đổi này cũng mở rộng phạm vi của Black Friday, khiến nó trở nên phổ biến hơn và mang lại lợi nhuận cao hơn.

Xu hướng mua sắm trực tuyến cũng là tiền đề cho sự ra đời của Cyber Monday (Thứ Hai Điện tử - Ngày thứ hai đầu tiên sau Black Friday) được thiết lập để khuyến khích chi tiêu trực tuyến sau Lễ Tạ ơn, càng củng cố tầm quan trọng của cuối tuần này đối với các nhà bán lẻ.

Mặc dù bắt nguồn từ Mỹ, nhưng Black Friday sau đó đã nhanh chóng trở thành một sự kiện toàn cầu. Các quốc gia như Anh Quốc, Canada, Úc, Brazil và Nam Phi đều áp dụng truyền thống mua sắm này, với các nhà bán lẻ địa phương tung ra chương trình giảm giá và khuyến mãi riêng. Tại một số khu vực, Black Friday thậm chí phát triển thành sự kiện kéo dài cả tháng, với những tên gọi khác như “Black November” mang lại khuyến mại xuyên suốt tháng 11.

Nhưng dù rất phổ biến, Black Friday cũng không tránh khỏi chỉ trích, bị coi là biểu tượng của chủ nghĩa tiêu dùng khiến mọi người đổ xô mua sắm ngay cả những thứ không thực sự cần thiết. Các vấn đề về môi trường cũng được đặt ra, đặc biệt là tác động của sản xuất hàng loạt và việc vận chuyển gia tăng. Người lao động trong ngành bán lẻ thường phải đối mặt với giờ làm việc căng thẳng và điều kiện làm việc áp lực cao.

Ngoài ra, nhận thức của người tiêu dùng về các chiêu thức giảm giá cũng tăng cao. Các công cụ theo dõi cho thấy một số ưu đãi bị thổi phồng hoặc gây hiểu lầm, với nhiều sản phẩm thực tế rẻ hơn vào thời điểm khác trong năm. Điều này khiến nhiều người mua sắm thận trọng hơn khi tham gia vào ngày mua sắm Black Friday, tập trung vào những khoản tiết kiệm thực sự thay vì bị cuốn theo sự cường điệu của ngày lễ.

Trâm Đặng

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/black-friday-la-gi-va-tai-sao-nguoi-tieu-dung-lai-me-ngay-le-mua-sam-nay-den-vay-post556251.html