Phương thuốc giải quyết tình trạng chênh lệch giàu nghèo hiện nay
Uyên bác, sâu rộng, đa chiều, 'Lược sử về bình đẳng' là cuốn sách đáng đọc cho bất cứ ai quan tâm đến sự vận động của lịch sử và sự tiến bộ của nhân loại.
Lược sử về bình đẳng là cái nhìn của nhà kinh tế học hàng đầu thế giới chuyên nghiên cứu về bất bình đẳng Thomas Piketty về quá trình vươn tới bình đẳng của loài người, dù quá trình này có ngắt quãng và chẳng hề suôn sẻ.
Lịch sử loài người luôn tồn tại bền bỉ một phong trào hướng tới bình đẳng
Trong cuốn sách, Thomas Piketty lật lại tiến trình lịch sử, dẫn dắt chúng ta qua những sự kiện đã để lại dư chấn lớn và kiến tạo nên thế giới hiện đại: sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, thời kỳ cách mạng, chủ nghĩa đế quốc - thực dân, hai cuộc thế chiến, các cuộc khủng hoảng kinh tế, và việc xây dựng nhà nước phúc lợi. Những sự kiện này đã đưa đến nhiều thay đổi về thể chế và luật pháp, tạo nên và thúc đẩy những cuộc đấu tranh và vận động xã hội để giảm bất bình đẳng trong xã hội.
Tác giả khảo sát sự bất bình đẳng và bình đẳng trong nhiều lĩnh vực, thể hiện qua chính trị và các thước đo chất lượng cuộc sống con người (tuổi thọ bình quân, cơ hội giáo dục, tỉ lệ mù chữ, các quyền con người như quyền bầu cử…).
Qua đó, tác giả khẳng định lịch sử loài người từ bấy đến nay luôn tồn tại bền bỉ một phong trào hướng tới bình đẳng hơn về xã hội, kinh tế và chính trị. Lịch sử này không phải lúc nào cũng suôn sẻ và thẳng tắp, mà có rất nhiều phong trào nổi dậy và các cuộc cách mạng, các cuộc đấu tranh xã hội và khủng hoảng đủ loại.
Tuy bất bình đẳng vẫn đang tồn tại phi lý ở mọi phương diện (địa vị, tài sản, thu nhập giới tính, xuất thân…) nhưng sự thực là các xã hội vẫn đang tiến đến gần hơn tới một hệ thống phân phối thu nhập và tài sản công bằng, giảm bất bình đẳng giới tính và chủng tộc, đồng thời mang đến nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và quyền công dân hơn cho mọi người.
Để làm rõ điều này, Thomas Piketty dẫn ra các trường hợp cụ thể lấy từ lịch sử của nhiều quốc gia khác nhau và trên toàn cầu: cuộc Cách mạng Pháp, sự phân phối tài sản và thu nhập của Pháp, chủ nghĩa thực dân châu Âu dẫn đến việc các nước phương Tây thâu tóm của cải trên thế giới, quá trình cáo chung của chế độ nô lệ ở Mỹ và châu Âu, sự phát triển của chiến dịch đòi phổ thông đầu phiếu ở Thụy Điển… Các ví dụ phong phú vẽ nên một bức tranh bao quát về con đường vươn tới bình đẳng của nhân loại trên mọi lĩnh vực, mọi khu vực của hành tinh.
Giải pháp để đẩy lui bất bình đẳng
Theo đề xuất của Piketty, giải pháp để đẩy lui vấn đề minh bạch và vấn đề bất bình đẳng ở đây chính là nghiêm túc xem xét hình thái chủ nghĩa xã hội: một hình thái dân chủ, có tính sinh thái và đa văn hóa. Với sự mở rộng nhà nước phúc lợi và thuế lũy tiến, tăng cường bình đẳng giáo dục, đảm bảo việc làm, chống phân biệt đối xử và giảm bất bình đẳng về tiền tệ. Đây chính là “đoạn kết hợp lý của một phong trào lâu dài hướng tới bình đẳng đã được tiến hành từ cuối thế kỷ 18”.
Cũng theo Piketty, khẳng định sự hiện diện của xu hướng bình đẳng không phải là khoe khoang về thành công. Thay vào đó, điều này kêu gọi chúng ta tiếp tục cuộc chiến trên cơ sở lịch sử vững chắc.
Thông qua xem xét lại lịch sử phong trào bình đẳng, ta có thể rút ra những bài học quý giá cho tương lai và hiểu rõ hơn về những cuộc đấu tranh và vận động đã giúp thực hiện phong trào này, cũng như các cấu trúc thể chế, và các hệ thống luật pháp, xã hội, tài chính, giáo dục và bầu cử đã cho phép bình đẳng trở thành một hiện thực lâu dài.
Các vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội quá quan trọng nên không thể phó mặc cho một nhóm nhỏ các chuyên gia và các nhà quản lý. Việc mỗi công dân không ngừng trang bị và thực hành kiến thức này là một yêu cầu thiết yếu để tiếp tục thúc đẩy xã hội tiến bộ. Các vấn đề về bình đẳng rất phức tạp, tinh tế, chỉ có thể giải đáp thông qua sử dụng lịch sử, truyền bá kiến thức, cân nhắc và đối đầu giữa các quan điểm khác nhau.
Thomas Piketty đã thể hiện sự nghiêm túc trong học thuật khi dẫn ra vô số các nghiên cứu kinh tế - xã hội - lịch sử bao quát nhiều chủ đề: chủ nghĩa tư bản, cách mạng công nghiệp, sự phân công lao động, chế độ thuộc địa, đế quốc thực dân, sự phân phối của cải giữa các giai tầng, giá cả và tiền lương, thu nhập và lợi nhuận từ đất đai, tài sản, thuế thu nhập. Ông còn sử dụng Cơ sở dữ liệu về bất bình đẳng thế giới với sự tham gia của 100 nhà nghiên cứu liên quan đến 80 quốc gia trên mọi châu lục.
Lược sử về bình đẳng giúp ta hiểu được quá trình ra đời và phát triển của các phong trào hướng tới bình đẳng trong lịch sử nhân loại, từ đó rút ra những bài học để tiếp tục cuộc chiến này ở tương lai. Đây là một cuốn sách kinh tế chính trị gai góc, thú vị, thảo luận về một vấn đề quan trọng với nguồn tư liệu tham khảo dày dặn và các dẫn chứng phong phú.
Cuốn sách nhận được lời khen tặng của các nhà kinh tế - chính trị và một số tờ báo lớn. Michael J. Sandel, tác giả sách Phải trái đúng sai và Tiền không mua được gì? viết: “Thomas Piketty đã giúp đưa vấn đề bất bình đẳng vào vị trí trung tâm của cuộc tranh luận chính trị. Và giờ đây, ông đề xuất một chương trình đầy hoài bão để đối phó với bất bình đẳng. Đây chính là kinh tế chính trị ở quy mô lớn, một điểm khởi đầu cho tranh luận về tương lai của chính trị tiến bộ”.
Còn David Marchese, tờ New York Times Magazine thì cho rằng:“ [Piketty] lập luận rằng chúng ta đang đi trên một quỹ đạo dẫn đến bình đẳng hơn chứ không phải bất bình đẳng hơn, đồng thời đề ra phương thuốc giải quyết tình trạng chênh lệch giàu nghèo trầm trọng hiện nay”.