'Bleisure': Xu hướng nhất thời hay liều thuốc cho guồng quay bận rộn?
COVID-19 đã trói chân không chỉ những người ưa dịch chuyển, mà tất cả công dân toàn cầu. Trong khi đó, guồng quay cuộc sống vẫn tiếp diễn, với những cuộc họp, những sự kiện được thực hiện online.
Con người, một mặt thèm khát những chuyến đi "xả hơi", một mặt lo sợ bỏ lỡ những đầu việc dang dở. Nỗi lo hai mặt ấy nhanh chóng được lấp đầy ngay khi những hạn chế COVID-19 được dỡ bỏ, nhờ một xu hướng tuy mới mà cũ - "bleisure".
Những chuyến đi "tuy hai mà một"
Một khảo sát do Arecent thực hiện với gần 2.000 người dùng TripIt - ứng dụng lập kế hoạch du lịch nổi tiếng tại Mỹ - hồi tháng 10 vừa qua cho thấy, khoảng 85% người Mỹ có kế hoạch du lịch trong mùa thu với điều kiện sẽ "mang theo công việc cho đỡ buồn". Họ, hoặc lựa chọn gia hạn thêm số ngày đi công tác để tranh thủ nghỉ dưỡng, hoặc làm việc cật lực vào ban ngày và tận hưởng hết mình vào ban đêm tại một điểm đến không phải công ty của mình. Trong khi đó, theo ứng dụng du lịch SAP Concur, một chuyến công tác của người Mỹ hiện nay dài hơn 14% so với năm 2019, nhờ sự ưa chuộng xu hướng kết hợp những chuyến công tác với khoảng thời gian nghỉ dưỡng riêng tư. "Bleisure" chính là cụm từ biểu trưng cho sự kết hợp đó.
Theo nhóm các chuyên gia tại Học viện Bucharest về nghiên cứu kinh tế, thuật ngữ "Bleisure" được đưa ra bởi The Future Laboratory, là sự kết hợp giữa "business" - công việc và "leisure" - giải trí, nhằm thể hiện một xu hướng sống trong tương lai, dựa trên sự thay đổi trong quan niệm cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân tồn tại trước đây. Sau nhiều năm, bleisure dần trở thành một thuật ngữ du lịch chỉ hình thức đi công tác kết hợp nghỉ dưỡng, nơi một cá nhân có thể có thể kết hợp làm việc với du lịch trong một khoảng thời gian gia hạn trước.
Kể từ khi các hạn chế đi lại liên quan đến COVID-19 được nới lỏng, xu hướng bleisure bắt đầu phát triển nhanh chóng ở châu Âu, theo Travel Weekly. Jen Moyse, Phó Giám đốc phụ trách sản phẩm của TripIt cho biết: "Mặc dù khái niệm bleisure không có gì mới, nhưng điều mới ở đây là sự phổ biến của nó. Khi ranh giới giữa công việc và văn phòng bị xóa nhòa, tôi nghĩ điều này đã mở ra cho nhiều người khả năng kết hợp tương tự trong các khía cạnh khác của cuộc sống, bao gồm cả du lịch". Những người lựa chọn bleisure thường mua vé máy bay với 2 mục đích. Thay vì mua 2 tấm vé cho 2 chuyến đi khác nhau, một là đi làm, hai là đi chơi, họ gộp chung lại để tối ưu thời gian và tối thiểu chi phí bỏ ra.
Bradley Haines, Phó Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của nền tảng công nghệ thương mại du lịch SiteMinder đánh giá: "Sự hồi phục được mong đợi từ lâu của du lịch đã xuất hiện cùng một loại hình mới, nơi du khách cởi mở hơn với việc làm việc từ xa. Chúng tôi đã phân tích các nhu cầu khác nhau của những người đang làm việc và không làm việc trong chuyến đi của họ và nhận thấy rằng đối với du khách đang làm việc, thời gian rời xa văn phòng khiến những điều nhỏ bé trong cuộc sống của họ trở nên có ý nghĩa hơn nhiều".
Xu hướng mang đặc tính thế hệ
Với hơn 8.000 dữ liệu thu thập được từ du khách quốc tế, SiteMinder vừa qua đã công bố báo cáo Changing Traveller về sự thay đổi của khách du lịch, theo đó khẳng định bleisure tiếp tục là một xu hướng đang phát triển với 49% khách du lịch thế giới thuộc thế hệ Z có nhiều khả năng đi nghỉ kết hợp với làm việc, tiếp theo là 46% thuộc thế hệ Millennials. Điều này có phần trùng khớp với nghiên cứu được thực hiện bởi chuyên gia Rob Davidson và Oliver Kesar hồi tháng 7 vừa qua, trong đó nêu bật 3 nguyên nhân khiến bleisure "lội ngược dòng" ngoạn mục.
Thứ nhất, 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành với hàng loạt hạn chế đi lại đã bóp nghẹt ngành du lịch, còn các hội thảo hay sự kiện lại phải tổ chức online. Cũng trong khoảng thời gian đó, khao khát được dịch chuyển, chinh phục các vùng đất mới lạ của công dân toàn cầu càng được thôi thúc. Với việc nới lỏng các hạn chế đi lại, sự tích tụ và cộng hưởng giữa nhu cầu đi lại để giao dịch, làm việc và du lịch, nghỉ dưỡng đã tạo ra xu hướng biến các chuyến đi tham dự hội nghị thành giải trí ngắn ngày hay thậm chí một kỳ nghỉ dài hạn hơn.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 với sự thay đổi và sắp xếp công việc linh hoạt để đáp ứng một nhịp sống khác trên nền tảng số đã khiến thói quen làm việc từ xa trở thành điều hiển nhiên với nhiều nhóm nghề nghiệp. Những người trẻ nhận ra rằng họ có thể làm việc ở bất cứ đâu, bất cứ khoảng thời gian nào mà không ảnh hưởng đến năng suất. Họ cũng có thể tận dụng tối đa thời gian tại một điểm đến để vừa dự sự kiện, vừa tận hưởng khoảng trời riêng.
Song, nghiên cứu của Rob Davidson và Olivẻ Kesar nhấn mạnh rằng, không phải COVID-19, tư duy thế hệ mới là thứ quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển của xu hướng bleisure. Thế hệ Z và đặc biệt là thế hệ Millennials thích làm mờ ranh giới giữa làm việc và giải trí, giữa cuộc sống nghề nghiệp và cuộc sống cá nhân. Gen Z hay gen Y điển hình coi bleisure là một phương tiện tạo ra sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Thêm một ngày nghỉ dưỡng vào một chuyến đi dự hội thảo là cách gen Y và Z lựa chọn để nâng cao chất lượng sống của mình. Với họ, bleisure chính là những trải nghiệm mang lại những hiểu biết chân thực hơn về một điểm đến, thông qua việc hòa mình vào các nền văn hóa mới và cuộc sống địa phương.
Dùng đúng "liều thuốc"
"Bleisure đang nhanh chóng trở thành một mỹ từ, thậm chí một khái niệm từ một thời đại khác, khi khách du lịch sau đại dịch ngày càng có quan điểm du lịch kết hợp liền mạch", Crown Plaza Hotels & Resorts đã viết trong báo cáo "Tương lai của du lịch kết hợp 2022".
Thật vậy, hai ông lớn trong ngành dịch vụ khách sạn - Marriott International và Hilton Worldwide - đều nhấn mạnh bleisure là một xu hướng cần theo dõi. Giám đốc điều hành của Marriott, Tony Capuano chỉ ra thực tế rằng các phòng khách sạn được đặt nhiều vào các ngày Thứ năm và Chủ nhật, là bằng chứng cho thấy khách du lịch "đang tiếp tục kết hợp các chuyến đi công tác và giải trí" trong một khoảng thời gian hợp lý.
Trong báo cáo công nghiệp khách sạn năm 2022 của mình, Hiệp hội Khách sạn & Nhà nghỉ Mỹ cho biết du lịch kết hợp "bùng nổ trong đại dịch". Varun Mehra, chuyên gia tư vấn cấp cao của CWT Solutions Group nhận định một cách thực tế: "Sau đại dịch, giá vé máy bay duy trì mức tăng cao như hiện nay, viễn cảnh có thêm một vài ngày nghỉ ngơi khi đi công tác càng trở nên hấp dẫn hơn".
Bleisure thường bị hiểu nhầm thành xu hướng du lịch bình thường với quan niệm rằng người trẻ sử dụng bleisure như một cái cớ để đi nghỉ dưỡng miễn phí. Trên thực tế, theo báo cáo về chất lượng công việc và xu hướng bleisure do nhóm nghiên cứu thuộc Đại học East London thực hiện, xu hướng này được các công ty khuyến khích nhằm giảm căng thẳng và tiết kiệm tiền bạc cũng như thời gian. Nhiều công ty đang nắm bắt xu hướng du lịch mới này để tạo động lực cho nhân viên của họ bằng cách làm cho một chuyến công tác trở nên thoải mái hơn. Những người đi công tác được thăm dò ý kiến bởi nhóm nghiên cứu thuộc Đại học East London đã nêu bật một số lợi ích khi có thể trải nghiệm khía cạnh giải trí của một điểm đến trong chuyến đi công tác của mình, bao gồm cả việc gia tăng phúc lợi cá nhân khi trở lại làm việc (78%).
Nghiên cứu cho thấy 61% khách du lịch được hỏi cho biết họ làm việc năng suất hơn sau những chuyến bleisure, trong khi hơn 36% số người được hỏi thừa nhận đã kéo dài chuyến công tác của họ để tham gia vào các hoạt động giải trí. Robert Sinclair, Giám đốc điều hành London City Airport, đơn vị ủy quyền thực hiện nghiên cứu này, cho biết: "Chúng tôi đang chứng kiến một thế hệ những người coi làm việc và giải trí gắn liền với nhau và họ đang áp dụng sự kết hợp giữa kinh doanh và giải trí khi đi du lịch".
Mặc dù bleisure là một xu hướng được ưa chuộng và thực sự có hiệu quả, nhưng nó vẫn tồn tại những mảng tối riêng. Varun Mehra, chuyên gia tư vấn cấp cao của CWT Solutions Group cho biết, nhiều công ty đang do dự trong việc "cấp phép" bleisure cho nhân viên vì "lo ngại về quản lý rủi ro". "Một mặt, đại dịch đã làm cho công việc kết hợp giải trí trở thành xu hướng chủ đạo, nơi các doanh nghiệp ngày càng cho phép nhân viên linh hoạt lựa chọn nơi họ làm việc, cho dù đó là văn phòng, nhà riêng hay một địa điểm khác. Nhưng, đồng thời, các công ty hiện cảm thấy có trách nhiệm lớn hơn nhiều đối với sự an toàn và hạnh phúc của mọi người, đặc biệt là khi họ đi công tác", Mehra nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo SiteMinder, nhóm khách hàng ưa chuộng bleisure nhất hiện nay là những nhân viên trẻ từ 25-35 tuổi. Những nhân viên này được coi là "tín đồ của kỹ thuật số" với trái tim chia nửa, nửa làm việc, nửa vui chơi. Các nhà tuyển dụng luôn mong muốn kích thích hơn nữa sự sáng tạo của họ bằng cách trao họ cơ hội bleisure ngay sau đại dịch. Thế nhưng, chất lượng công việc sẽ là thứ khó kiểm soát, bởi cái bẫy do bleisure gây ra dễ khiến người trẻ sa đà vào những cuộc vui tới bến và quên mất sứ mệnh quan trọng mình cần làm trong sự kiện sáng hôm sau.
"Sự chuyển đổi nhanh chóng từ giải trí sang làm việc có thể dẫn đến căng thẳng", chuyên gia Atul Ramgade tại Ấn Độ chỉ rõ. Khi đó, câu chuyện cán cân thăng bằng giữa cuộc sống và công việc sẽ một lần nữa cần đem ra cân đo, để đảm bảo rằng bleisure đang được những người trẻ sử dụng đúng cách - tối ưu hóa thời gian để chữa lành những tư duy bận rộn.