Bloomberg: Lĩnh vực bất động sản Trung Quốc như đang chơi 'Squid Game'

Theo Bloomberg, bộ phim 'Squid Game' đang là phép ẩn dụ cho những gì xảy ra với các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

"Squid Game" đã trở thành bộ phim ăn khách nhất từ trước đến nay của Netflix. Trong đó, một nhóm người nghèo tuyệt vọng vì những khoản nợ đã tham gia một cuộc thi đẫm máu. Họ chơi các trò chơi truyền thống vốn dành cho trẻ em ở Hàn Quốc chỉ với 2 kết cục: chết hoặc nhận được giải thưởng tiền mặt 40 triệu USD nếu thắng cuộc.

Bộ phim này có yếu tố pha trộn giữa "The Hunger Games" (Đấu trường sinh tử) và "Parasite" (Ký sinh trùng) vốn cũng là những cái tên rất nổi tiếng trên thế giới. Trong khi nhiều người coi đây là cuộc chiến liên quan đến giai cấp, thì cốt truyện của những bộ phim này lại phần nào có sự liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của Trung Quốc.

Ở trò chơi đầu tiên, một con búp bê khổng lồ đưa ra hiệu lệnh "đèn xanh, đèn đỏ". Khi "đèn xanh", người chơi phải chạy thật nhanh đến gần vạch đích và phải đứng im khi "đèn đỏ". Nếu người chơi vẫn cử động và không về đích đúng giờ, họ sẽ bị bắn. Đây cũng là những gì các nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc đang trải qua.

Quy định về "Ba lằn ranh đỏ" được Trung Quốc áp dụng từ mùa hè năm ngoái có mục đích kiểm soát đòn bẩy của các nhà phá triển bất động sản, đưa ra những giới hạn mà họ không nên vượt quá. Đó là một yếu tố được coi là thay đổi cuộc chơi trong một ngành chiếm khoảng 15% GDP.

Những quy định mới từ chính phủ khiến các chủ đầu tư không còn có thể thu lời từ việc xây dựng các khu dân cư. Một số thành phố thậm chí còn áp dụng biện pháp kiểm soát giá bất động sản. Trong vài tháng gần đây, doanh số bán nhà mới ở Trung Quốc cũng sụt giảm mạnh. Trong khi đó, các kênh tài trợ vốn cho các nhà phát triển cũng ngần ngại khi giao dịch với họ.

China Evergrande Group - nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 quốc gia này với khoản nợ hơn 300 tỷ USD, đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Country Garden Holdings - công ty xây dựng lớn nhất Trung Quốc, chứng kiến vốn hóa giảm 28% trong năm nay xuống chỉ còn 22 tỷ USD. Nói một cách khác, nếu là một nhà phát triển bất động sản tư nhân, thì việc xây dựng những khu dân cư không còn là lĩnh vực của bạn nữa.

Cũng giống như con người, các doanh nghiệp có bản năng sinh tồn. Một công ty muốn cũng muốn thanh toán nợ và kiếm được lợi nhuận. Trong thời đại của "Ba lằn ranh đỏ", tín hiệu "đèn xanh" duy nhất đối với lĩnh vực này là quản lý bất động sản. Các nhà xây dựng đang muốn chuyển sang lĩnh vực quản lý các tòa nhà. Song, những công ty lớn lại không thể nhanh chóng đa dạng hóa.

Việc bán các căn hộ mới không phải là một ý tưởng hiệu quả vào mùa hè năm nay, khi quan điểm "thịnh vượng chung" của chính phủ Trung Quốc đang có tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực. Thông thường, các nhà phát triển muốn "thổi giá" nhà cao hơn, nhưng đây lại là một gánh nặng với tầng lớp trung lưu của Trung Quốc, làm trầm trọng hơn sự chênh lệch giàu nghèo. Mặt khác, hoạt động quản lý bất động sản vẫn được chấp nhận về mặt chính trị và người dân chưa phàn nàn về việc phí dịch vụ tăng giá.

Điều này cũng có thể lý giải cho sự bùng nổ của các thương vụ thâu tóm của lĩnh vực quản lý bất động sản và tình trạng thiếu hụt của các dự án phát triển, dù mức giá không hề cao. Country Garden là một công ty tích cực thực hiện bước đi trên. Trong khi đó, Evergrande sẽ sớm "cắt giảm" các công ty con để huy động thêm tiền mặt.

Trong nửa đầu năm nay, 12 công ty quản lý bất động sản niêm yết được CLSA theo dõi đã báo cáo lợi nhuận cốt lõi tăng 70% so với 12 tháng trước. Lợi nhuận của Country Garden Service Holdings Co. - công ty dẫn đầu thị trường Trung Quốc, tăng 15% trong năm nay. Giao dịch ở mức 36 lần lợi nhuận dự phóng.

Tuy nhiên, "đèn xanh, đèn đỏ" chỉ là trò chơi đầu tiên trong số 6 trò chơi của "Squid Game". Phía trước, các nhà phát triển của Trung Quốc sẽ có những cuộc chiến giằng co khốc liệt hơn. Khi ban tổ chức của "Squid Game" đặt ra câu hỏi "Bạn là ai?", thì các tập đoàn bất động sản của Trung Quốc đang thay đổi hướng đi giữa cuộc khủng hoảng có thể cũng đang tự hỏi điều tương tự. Các nhà hoạch định chính sách liệu có thay đổi quy định giúp họ "dễ thở" hơn để hướng tới một tương lai ổn định hay không? Hay liệu họ chỉ đang quan sát xem ai sẽ sống sót và ai không?

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/bloomberg-linh-vuc-bat-dong-san-trung-quoc-nhu-dang-choi-squid-game-96972.html