Bloomberg: Thương vụ IPO 35 tỷ USD của Ant khó có thể được thực hiện vào năm sau

Nguồn tin thân cận tiết lộ với Bloomberg, cơ hội thực hiện thương vụ IPO của Ant Group trong năm tới đang ngày càng trở nên mong manh, khi giới chức Trung Quốc thay đổi các quy tắc quản lý ngành fintech.

Ant hiện vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình cân nhắc những thay đổi cần thiết, để xoa dịu sự căng thẳng của các nhà quản lý. Trước đó, cơ quan quản lý Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ một loạt những quy tắc mới, được đề xuất trong các lĩnh vực bao gồm cho vay tiêu dùng. Nguồn tin thân cận cho biết, đợt IPO của Ant có thể sẽ không được thực hiện trước năm 2022.

Việc trì hoãn thêm 1 năm hoặc hơn đối với đợt IPO của Ant sẽ là một bước lùi nữa của tỷ phú Jack Ma, cũng như những nhà đầu tư đang mong chờ lợi nhuận từ đợt niêm yết có thể được định giá tới 35 tỷ USD. Ngoài ra, việc này cũng sẽ giáng một đòn mạnh vào Alibaba, vốn đã chứng kiến cổ phiếu lao dốc ngay sau khi thương vụ này đột ngột bị đình chỉ. Tại Hồng Kông, cổ phiếu Alibaba giảm 2,7% ở phiên ngày hôm nay.

Thách thức lớn nhất về việc Ant phải đối diện với việc tái khởi động đợt IPO xuất hiện từ các cuộc thảo luận với quan chức thuộc các cơ quan quản lý giám sát các ngành dịch vụ tài chính và chứng khoán. Họ nhấn mạnh rằng, ưu tiên trước mắt của Bắc Kinh là đảm bảo Ant phù hợp với môi trường pháp lý đang thay đổi.

Nguồn thạo tin tiết lộ với Bloomberg, Trung Quốc đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để giám sát Ant – được chỉ đạo bởi Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính (FSDC), cùng các bộ phận khác nhau của NHHW và các cơ quan quản lý khác. Được biết, nhóm này thường xuyên liên hệ với Ant để thu thập dữ liệu và tài liệu, nghiên cứu việc tái cấu trúc của công ty, cũng như soạn thảo các quy tắc cho ngành fintech.

Theo dự thảo về quy tắc dành cho các nhà cho vay vi mô được ban hành vào đầu tháng 11, Ant sẽ phải bổ sung thêm vốn. Công ty này cần khoảng 12 tỷ USD để đáp ứng yêu cầu trên, theo ước tính của Bloomberg Intelligence.

Ngoài ra, công ty cũng phải nộp đơn lên Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) để được cấp giấy phép mới cho 2 nền tảng cho vay vi mô là Huabei và Jiebei. Cơ quan này cũng sẽ giới hạn số lượng nền tảng được phép hoạt động trên toàn quốc và có thể sẽ không phê duyệt 2 giấy phép cho Ant.

Ant cũng sẽ cần phải nộp đơn lên NHTW để xin giấy phép cho 2 công ty tài chính riêng biệt, bởi hoạt động của công ty này bao gồm nhiều hơn 2 mảng tài chính. Hiện tại, các cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra quy tắc cụ thể cho Ant, nhưng họ cho biết công ty này cần tuân thủ các quy định hiện hành và hoạt động dưới khuôn khổ của một công ty cổ phần tài chính.

Công ty của tỷ phú Jack Ma đang phải chờ những nội dung cuối cùng của quy tắc cho vay vi mô và kỳ vọng sẽ có nhiều quy định hơn đối với ngành fintech được ban hành trong vài tháng tới. Dẫu vậy, trong đó, đợt IPO không phải là vấn đề được ưu tiên, nguồn tin cho biết. Trở ngại lớn nhất đối với Ant đó là hiểu rõ quan điểm và cách điều hướng các quy tắc phức tạp của giới chức, bởi một trong số những quy tắc đó vẫn có thể thay đổi.

Nếu tất cả các bên không đồng tình với bất kỳ kế hoạch nào, Ant sẽ phải đối mặt với tình trạng đợt IPO bị trì hoãn kéo dài, có khả năng lâu hơn thời gian vài tháng như 1 số nhà phân tích cảnh báo. Hơn nữa, nếu Ant không thực hiện được thương vụ này trước khi hồ sơ IPO hết hạn vào tháng 10 năm sau, họ sẽ phải thực hiện lại quy trình niêm yết tại Thượng Hải và tìm cách nhận được sự chấp thuận mới.

Gần đây, "bức tranh toàn cảnh" đang thay đổi đối với ngành fintech của Trung Quốc, khi ngành này đã cho thấy những bằng chứng thuyết phục nhất về việc những "ông lớn" sử dụng tiềm lực để điều chỉnh lại các dịch vụ tài chính truyền thống. Với lời kêu gọi thắt chặt sự giám sát của Chủ tịch Tập Cận Bình, các công ty fintech đang gấp rút huy động vốn, cân nhắc thực hiện các cuộc đại tu hoạt động kinh doanh và chuẩn bị đón nhận nhiều thay đổi hơn khi các cơ quan giám sát chú ý đến các lĩnh vực gồm cho vay, quan hệ đối tác ngân hàng và bảo mật dữ liệu.

Ant – công ty lớn nhất trong lĩnh vực cho vay trực tuyến, là nạn nhân nổi bật nhất khi đợt IPO đột ngột phải tạm dừng, chỉ vài tuần sau khi Jack Ma kêu gọi các nhà quản lý Trung Quốc thích ứng với sự thay đổi của ngành tài chính. Ngoài các cuộc thảo luận về bổ sung vốn, Ant cũng đang kìm hãm tốc độ tung các khoản vay hiện có thành chứng khoán đảm bảo bằng tài sản để bán cho nhà đầu tư.

Hiện tại, các nhà phân tích đều giảm dự báo về mức định giá của Ant xuống chỉ còn 1 nửa. Điều này khiến lợi nhuận tiềm năng cho các nhà đầu tư ban đầu như Warburg Pincus, Silver Lake Management LLC và Temasek Holdings Pte sụt giảm mạnh.

Chưa dừng ở đó, một thương vụ IPO được định giá thấp hơn cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng đầu tư tham gia bảo lãnh gồm Citigroup, CICC đều chứng kiến khoản hoa hồng bị cắt giảm. Ant cũng phải giảm bớt các thương vụ thâu tóm, khi tìm cách mở rộng hoạt động ra bên ngoài Trung Quốc và cạnh tranh với Tencent trong nước.

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/bloomberg-thuong-vu-ipo-35-ty-usd-cua-ant-kho-co-the-duoc-thuc-hien-vao-nam-sau-420203011102649445.htm