Nhận định chứng khoán tuần (8/7-12/7): Có thể vượt lên vùng kháng cự quanh 1.300 điểm
Sau tuần cuối quý 2/2024 có diễn biến kém tích cực khi VN-Index chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh về vùng giá 1.240 điểm, VN-Index tuần đầu tiên quý 3/2024 đã phục hồi tốt, lấy lại hầu hết điểm số giảm tuần trước.
Có thể vượt lên vùng kháng cự quanh 1.300 điểm
Kết thúc tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.283,04 điểm, tăng 3% so với tuần trước. Như vậy VN-Index đã quay trở lại vùng 1.285 điểm. Đây là vùng giá cao nhất của các phiên giảm mạnh, thanh khoản đột biến trong tháng 04, 05, 06/2024.
Trong ngắn hạn, VN-Index tăng điểm phiên thứ 4 liên tiếp, vượt lên vùng giá trung bình 20 phiên gần nhất quanh 1.275 điểm, với kỳ vọng hướng đến vùng giá 1.300 điểm của kênh tích lũy 1.250 điểm - 1.300 điểm.
Thanh khoản thị trường có cải thiện dần qua các phiên nhưng cả tuần vẫn giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 65% mức trung bình, thể hiện mức độ phân hóa mạnh. VN-Index có thể sẽ còn chịu áp lực rung lắc khi gặp kháng cự mạnh quanh 1.285 điểm. Điểm tích cực là nhiều nhóm mã luân phiên phục hồi tốt, nhiều mã vượt đỉnh cũ.
Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định, về mặt cơ bản, VN-Index đã có tuần tăng điểm tốt trước thông tin hình hình kinh tế xã hội tích cực, tăng trưởng GDP 6,93% trong quý II/2024.
Về xu hướng trung hạn, SHS cho biết, VN-Index vẫn tích lũy tích cực với biên độ hẹp dần trong vùng 1.245- 1.255 điểm đến 1.300 điểm, nửa trên của kênh 1.180 điểm - 1.200 điểm đến 1.300 điểm, mở rộng lên 1.320 điểm.
VN-Index cũng đang phục hồi tốt khi kiểm tra lại cạnh dưới đường xu hướng trung hạn nối các vùng giá thấp từ tháng 11/2023 đến nay và đang nỗ lực phục hồi kiểm tra lại vùng 1.300 điểm, mở rộng lên 1.320 điểm, tương ứng cạnh trên đường xu hướng nối vùng giá cao nhất tháng 09/2023, 03/2024 và 06/2024. Trong đó, 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018, 1.300 điểm - 1.320 điểm là vùng giá cao nhất tháng 06, 08/2022.
“Chúng tôi cho rằng thị trường diễn biến tích lũy tích cực và nếu không có các yếu tố tiêu cực bất định mới xuất hiện thì kỳ vọng VN-Index sẽ có thể vượt lên vùng kháng cự quanh 1.300 điểm khi các yếu tố như căng thẳng địa chính trị trên thế giới, áp lực lạm phát, tỷ giá, khối ngoại bán ròng hạ nhiệt”, SHS cho hay.
Cũng theo Chứng khoán SHS, các nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỉ trọng hợp lý và theo dõi thêm diễn biến thị trường tại vùng kháng cự. Nhà đầu tư trung - dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỉ trọng mới, đánh giá cẩn trọng dựa trên kết quả kinh doanh quí II và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành. Trường hợp tỉ trọng dưới mức trung bình, có thể xem xét giải ngân các mã đang có thanh khoản gia tăng tốt trở lại. Mục tiêu là các mã cổ phiếu đầu ngành, dự báo có kết quả kinh doanh quí II tăng trưởng tốt, triển vọng tích cực trong cuối năm.
Thị trường phục hồi tích cực
Sau tuần giao dịch giảm điểm trước đó thị trường mở cửa phiên thứ hai tuần qua trong sắc xanh, những phiên giao dịch sau đó đều hồi phục rất tích cực giúp cho VN-Index kết tuần tăng +37,72 điểm (+3,03%) lên mốc 1.283,04 điểm.
HNX-Index kết tuần tại mốc 242,31 điểm (+4,72 điểm, tương ứng +1,99%). Độ rộng thị trường phiên cuối tuần nghiêng về bên bán với 180 cổ phiếu giảm giá, 134 cổ phiếu tăng giá, 61 cổ phiếu tham chiếu tại HOSE. HNX giao dịch với 70 cổ phiếu giảm giá, 66 cổ phiếu tăng giá, 88 cổ phiếu tham chiếu.
SHS cho biết, thanh khoản trên cả 2 sàn tuần này giảm so với tuần giao dịch trước đó, khi khối lượng khớp lệnh -26,8% tại HOSE và -29% tại HNX.
Khối ngoại tuần qua tiếp tục đà bán ròng với 2.308,962 tỷ đồng tại HOSE, tập trung tại mã VRE (-728,4 tỷ), và các mã FPT (-463,1 tỷ), VHM (-422,2 tỷ) và HPG (-214 tỷ)....; ở chiều ngược lại, mua ròng tại mã DSE (+206,4 tỷ), NLG (+194,4 tỷ), BID (+188,2 tỷ)... Cùng với đó, mua ròng tuần qua từ khối ngoại cũng diễn ra trên sàn HNX với 98,779 tỷ đồng, tập trung tại các mã PVS (+114,6 tỷ), IDC (+11,3 tỷ) và NTP (+1,9 tỷ), chiều bán ròng nổi bật với DTD (-11,3 tỷ), SHS (-9,1 tỷ), PVI (-4,9 tỷ).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư, đặc biệt là các công ty đa quốc gia đầu tư dự án mới cũng như mở rộng tại Việt Nam một phần chủ yếu là do sự ổn định của môi trường đầu tư cũng như cam kết về chính sách bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi luật pháp chính sách.
Trong trường hợp Việt Nam không có động thái điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư và cơ chế thực hiện phù hợp, việc áp dụng chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam; không còn hấp dẫn để giữ chân hoặc thu hút thêm vốn đầu tư mới từ các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Từ đó, ảnh hưởng đến vị thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực, cũng như ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng cao.
Trở lại với thị trường, nhóm ngành nổi bật đóng góp cho sự phục hồi của thị trường tuần này là Dầu khí với các mã PLX (+7,46%), BSR (+5,07%), OIL (+16,53%), PVB (+5,15%)... Ngoài ra, một số nhóm cổ phiếu khác cũng đóng góp đến sự phục hồi của chỉ số, tiêu biểu như ngành Ngân hàng với BID (+9,36%), VCB (+3,29%), LPB (+14,18%), SHB (+3,07%)... Nhóm Bán lẻ giao dịch trong sắc xanh với MWG (+5,13%), DGW (+5,39%), PET (+2,41%)... nhóm cổ phiếu Hóa chất cũng có 1 tuần tăng điểm ấn tượng với CSV khi có 3 phiên liên tiếp tăng kịch biên độ giúp cho tổng kết tuần rất tích cực (+26,5%), DGC (+2,04%).
Ghi nhận trong tuần này, một số ngành khác chứng kiến sự phân hóa, như ngành Điện với REE (+4,15%), HDG (+4,8%), GEG (+2,86%)... tuy nhiên các mã khác cùng ngành vẫn tiếp tục điều chỉnh như POW (-2,01%), PPC (-4,63%), và đặc biệt là TV2 (-10,11%) với thông tin bất lợi về việc Bộ Công thương chấm dứt Hợp đồng BOT của siêu dự án 3 tỷ USD Nhiệt điện Sông Hậu 2.
Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2407 tăng +7,8 điểm (+0,6%), đóng cửa tại 1.316,4 điểm, chênh lệch +0,22 điểm so với VN30. Tổng khối lượng hợp đồng giao dịch +14% so với phiên trước, và vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên.