Bloomberg: Việt Nam đang tìm cách mở rộng thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Việt Nam đang tìm cách mở rộng thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi phải vật lộn với khó khăn tín dụng trong lĩnh vực bất động sản do một số ít công ty có đòn bẩy tài chính cao gây thiệt hại.

Trao đổi với Bloomberg News tại Hà Nội hôm thứ Ba (22/11), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ không nhận thấy tác động rộng lớn hơn đối với một số công ty tham gia vào các hoạt động xấu hoặc bất hợp pháp.

“Những công ty gặp khó khăn về tài chính là những công ty đã mở rộng quá mức và vượt quá khả năng, chẳng hạn như xây dựng hàng chục dự án cùng lúc và vượt quá khả năng tài chính. Giờ đây, khi Ngân hàng Nhà nước thắt chặt giới hạn tín dụng để chống lạm phát, các công ty này đang phải đối mặt với các vấn đề về thanh khoản và làm tổn hại niềm tin của các nhà đầu tư”, ông Phớc cho biết.

Ông cho biết thêm, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu tăng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp lên 25% tổng sản phẩm quốc nội từ mức khoảng 11% hiện nay. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành trị giá khoảng 1,2 triệu tỷ đồng (48,3 tỷ USD).

Trong số các điểm khác được đề cập, ông Phớc cho biết, Chính phủ muốn đẩy nhanh quá trình để các công ty bất động sản có được quyền hợp pháp để phát triển đất đai. Làm việc với ngân hàng trung ương để giảm chi phí vay cho các công ty và giúp cơ cấu lại các khoản thanh toán nợ. Tăng cường niềm tin của nhà đầu tư sau các biện pháp chống sai phạm gần đây. Đảm bảo các tổ chức phát hành trái phiếu cung cấp cho người mua thông tin chính xác và hoàn trả trái phiếu đúng hạn khi đến hạn để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Các tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ đang điều tra sâu rộng sai phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đang ảnh hưởng nặng nề đến các nhà phát triển bất động sản của Việt Nam. Các công ty bất động sản hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính, cùng với lãi suất cao hơn và cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước đối với các khoản vay bất động sản rủi ro khiến các nhà đầu tư rút lui.

Thị trường sụt giảm

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, doanh số và khối lượng bán trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã giảm trong năm nay. Trong đó, doanh số bán thông qua phát hành riêng lẻ giảm 51% xuống còn 240.760 tỷ đồng tính đến tháng 10. Ngoài ra, chỉ số VN-Index đã giảm 36% trong năm nay, trong đó các cổ phiếu bất động sản dẫn đầu đà sụt giảm.

Mối lo ngại hiện đang gia tăng rằng thị trường bất động sản có nguy cơ suy thoái nghiêm trọng có thể là lực cản đối với nền kinh tế rộng lớn hơn. Để tháo gỡ khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1435/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác rà soát, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án bất động sản do ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng.

Một sự thay đổi có thể đang đến. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Thủ tướng Chính phủ muốn tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công ty bất động sản tiếp cận vốn, phát hành trái phiếu và xin giấy phép bán dự án, nhằm khôi phục niềm tin cho thị trường.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng đang cải cách thủ tục hành chính để đơn giản hóa thủ tục thay đổi giấy phép xây dựng, đồng thời giúp các nhà phát triển linh hoạt hơn trong việc thay đổi công năng dự án để phù hợp với thị trường. Điều đó sẽ bao gồm việc chuyển đổi công năng dự án từ văn phòng sang xây dựng một khu chung cư và nhà ở giá cả phải chăng hơn.

Theo ông Phớc, để thuyết phục thị trường rằng những thay đổi sẽ giúp mang lại tầm nhìn về một hệ thống hợp lý hơn, trước tiên phải xoa dịu mối lo ngại của nhà đầu tư, điều mà ông cho rằng đã bị tổn hại bởi những đồn đoán gần đây.

“Thị trường chứng khoán gần đây bị tổn thương do mất niềm tin của nhà đầu tư và tin đồn, nên chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin trên các kênh chính thức và phải có biện pháp thúc đẩy hoạt động của các công ty”, ông Phớc cho biết.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bloomberg-viet-nam-dang-tim-cach-mo-rong-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-post310548.html