'Bluetooth' nghĩa là gì
Công nghệ kết nối không dây này được đặt theo một vị vua Viking.
Công nghệ kết nối không dây Bluetooth hiện nay đã không còn quá xa lạ đối với người dùng smartphone, đặc biệt khi sử dụng các thiết bị phụ kiện như tai nghe, micro,…được kết nối không dây với máy tính và điện thoại.
Tuy vậy, không phải người dùng nào cũng biết đến nguồn gốc của cái tên kỳ lạ “Bluetooth” (răng xanh) này. Ít ai ngờ được rằng chuẩn kết nối lại được đặt theo tên của một vị vua người Scandinavia hồi thế kỷ thứ 10.
Nguồn gốc của cái tên Bluetooth
Vào năm 1997, một số công ty công nghệ lớn như IBM, Intel, Ericsson, Nokia và Toshiba đã lên kế hoạch phát triển một công nghệ mới để kết nối các thiết bị. Trong đó, hai công ty Bắc Âu là Nokia và Ericsson dẫn đầu dự án.
Theo câu chuyện được trình bày tại một hội nghị của Intel, Ericsson và Nokia, hai kỹ sư của Jim Kardash (của Intel) và Sven Mattisson (của Ericsson) đã ngồi uống rượu và bàn bạc về một cái tên hay để đặt cho công nghệ mới này.
Trong cuộc trò chuyện, Kardash đã đề cập đến cuốn sách mà ông vừa đọc về người Viking, trong đó có một vị vua đặc biệt mang tên Harald Bluetooth.
Cả hai đã liên tưởng việc một vị vua thống nhất các vùng với sự liên kết giữa PC và thiết bị di động ở khoảng cách gần.
“Vị vua Harald Bluetooth được biết tới vì đã thống nhất Scandinavia, cũng tương tự như chúng ta thống nhất PC và điện thoại để cùng tạo ra một kết nối không dây tầm ngắn”, Jim Kardash, đại diện Intel, cho biết.
Câu chuyện này được trình bày ngay trong buổi gặp mặt của Intel, Ericsson và Nokia. Các công ty sau đó đã có quyết định tiêu chuẩn hóa công nghệ kết nối không dây tầm gần và lấy tên là Bluetooth.
Bluetooth trở thành tên gọi ban đầu của dự án. Sau đó vài tháng, nó đã được thay thế bằng “RadioWire” hoặc “PAN” (Mạng khu vực cá nhân).
“Chúng tôi tổ chức cuộc họp mặt và lấy ý kiến cũng như bầu ra cái tên chính thức, người thắng cuộc là PAN với tỷ lệ 4-1. Vào thời điểm này, mọi người đều sử dụng cái tên PAN, và chúng tôi đã quyết định đồng ý lấy cái tên này cho sự kiện ra mắt”, ông Kardash tiết lộ.
Tuy nhiên, nhóm truyền thông đã nắm bắt được ý nghĩa đằng sau cái tên “Bluetooth” và giữ nó làm tên chính thức của công nghệ này.
“Vậy mà Bluetooth thậm chí chưa từng được đưa vào danh sách đề cử”, ông viết trong một bài blog cá nhân.
Bluetooth được chính thức ra mắt vào năm 1998 và Ericsson đã tạo ra điện thoại Bluetooth đầu tiên vào năm 1999. Công nghệ này vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.
Ngoài ra, logo của công nghệ này cũng gợi nhắc đến vị vua Đan Mạch. Cụ thể, biểu tượng được đặt giữa logo là hình ảnh kết hợp của hai chữ cái H (Harald – tên vị vua) và B (Blatand – răng xanh), chúng đều được viết theo bảng chữ cái cổ của Bắc Âu.
Harald Bluetooth là ai
Harald “Bluetooth” Gormsson (tiếng Đan Mạch là Harald Blåtand Gormsen) là vua của Đan Mạch và Na Uy từ năm 958-985, được người dân biết đến qua việc thống nhất 2 quốc gia này.
Nhiều nhà sử học đã ca ngợi ông là một chiến binh vĩ đại. Nhờ có Harald mà các xung đột giữa ba quốc gia ở vùng Scandinavia, tương ứng với Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển ngày nay, đã được dẹp bỏ.
Tương truyền rằng, Harald có một chiếc răng bị “sâu”, trông có màu xanh lam hoặc đen. Như như biệt danh Harald “Blatand” Gormsen của ông, trong đó “bla” có nghĩa là xanh và “tand” là răng.
Chi tiết này được đề cập lần đầu trong “Biên niên sử Rosskildense”, một cuốn sách được viết vào thế kỷ 12 bằng tiếng Latinh mô tả các sự kiện lịch sử của Đan Mạch. Tác giả đã sử dụng từ “Blatand” để mô tả vua Harald.
William of AEbelholt, một giáo sĩ người Pháp chuyển đến Đan Mạch, là người đầu tiên giải thích về chiếc răng xanh của Vua Harald. Trong gia phả của các vị vua Đan Mạch, được viết vào nửa sau của thế kỷ 12, William đã mô tả răng của Harald có màu xanh đậm, gần như đen.
Một số người lại đưa ra lời giải thích khác cho biệt danh của Harald. Người Scandinavi rất thích quả việt quất, một loại quả dại mọc phổ biến ở các vùng đất phía Bắc. Có thể do ăn quá nhiều những quả việt quất màu xanh mà răng của ông đã bị ngả sang màu này.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguon-goc-bat-ngo-cua-cai-ten-bluetooth-post1411323.html