Bờ biển bị sạt lở trầm trọng hơn do thiên tai

Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 11-2020, tình trạng sạt lở bờ biển (SLBB) khu vực miền Trung diễn ra nghiêm trọng, trên phạm vi rộng do ảnh hưởng liên tiếp 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Sóng biển cao từ 2-4m do các cơn bão đổ ập vào bờ biển khiến cho nhiều đoạn bờ biển bị xói lở, sạt sâu từ 50-200m.

Đoạn bờ biển thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam bị sạt lở, tiến sâu vào đất liền, tới cả các khu resort. Ảnh: Hồng Anh

Đoạn bờ biển thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam bị sạt lở, tiến sâu vào đất liền, tới cả các khu resort. Ảnh: Hồng Anh

Bờ biển tan tác sau bão

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng (từ cuối tháng 9 tới đầu tháng 11-2020), khu vực miền Trung đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của 6 cơn bão. Sóng lớn do bão cộng với triều cường đã gây SLBB nghiêm trọng.

Bờ biển khu vực phường Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vốn có “tiền sử” sạt lở, sau khi hứng chịu sự tác động của các cơn bão trong tháng 10, đầu tháng 11 càng bị xói lở trầm trọng hơn. Sau khi hứng chịu bão liên tiếp, nhất là sau bão số 6 bờ biển dọc phường Cửa Đại và Cẩm An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nghiêm trọng. Sóng khoét sâu vào bờ biển tạo thành những hàm ếch rộng, ăn sâu vào đất liền sâu, ảnh hưởng tới an toàn tính mạng và việc làm ăn sinh sống của nhiều người dân.

Thực tế, tình trạng SLBB ở thành phố Hội An đã diễn ra trong một thời gian dài và chưa có dấu hiệu dừng lại. Không ít nhà hàng, khách sạn ven biển bị biển xâm thực gây hư hỏng nhiều công trình. Trong đó, Tropical Hoi An Beach Resort bị sóng biển xâm thực sâu vào cả hồ bơi. Để ứng phó với tình trạng sạt lở, chính quyền và người dân đã phải đóng cọc tre, dùng bao cát gia cố để giữ đất. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là giải pháp tình thế và hiệu quả mang lại rất thấp.

Bờ biển phường Cửa Đại, Cẩm An tiếp tục bị sạt lở nghiệm trọng khi “hứng” bão số 13 hồi giữa tháng 11. Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam, gió lớn, sóng biển dâng cao do bão số 13 đã làm sạt lở 31 nhà dân và hàng quán tại khu vực bờ biển Cửa Đại, Cẩm An. Bờ biển Cửa Đại tiếp tục bị sạt lở khoảng 3km, chiều sâu khoảng 10 đến 20m.

Ngoài ra, bờ biển xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên bị sạt lở với chiều dài khoảng 11km; đê ngăn mặn ven biển ở đây cũng bị sạt lở, hư hỏng nặng tại nhiều vị trí. Sóng biển cũng đánh đổ tường rào của Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Đại, Đồn Biên phòng Cửa Đại, BĐBP Quảng Nam. Ngoài ra, 60m2 sân của Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Đại bị xói lở, hệ thống bờ kè bị sạt lở nghiêm trọng.

Cũng như Quảng Nam, bão, lũ liên tiếp trong thời gian qua đã khiến nhiều đoạn bờ biển của tỉnh Quảng Trị xơ xác. Sau bão số 13, bãi tắm từ xã Gio Hải đến Trung Giang, huyện Gio Linh bị xâm thực dọc bờ biển dài khoảng 14km, sâu từ 1-2m, làm hư hỏng, sập đổ 15 quán kinh doanh của dân. Quảng Trị chỉ có 75km bờ biển, từ năm 2015 chỉ xuất hiện 1 điểm sạt lở với chiều dài 3km. Thế nhưng chỉ sau đợt bão lũ tháng 10-2020, bờ biển địa phương này xuất hiện thêm 6 điểm sạt lở với chiều dài gần 16km.

Một trong những địa phương bị xói lở bờ biển trầm trọng nhất khu vực miền Trung là tỉnh Thừa Thiên Huế. Liên tiếp các cơn bão lớn và áp thấp nhiệt đới với sóng biển đánh mạnh vào bờ khiến tình trạng SLBB tại một số khu vực biển của địa phương này phức tạp hơn. Tại bờ biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang biển xâm thực ăn sâu vào đất liền khoảng 4-5m, dài khoảng 700m. Đoạn kè biển xã Giang Hải cũng bị sóng đánh hư hỏng khoảng 50m.

Tìm giải pháp bền vững

Bờ biển các tỉnh từ Nghệ An tới Phú Yên, dài gần 1.200km, hiện có 88 vị trí sạt lở/129km. Đợt bão, lũ trong tháng 10-2020 đã làm gia tăng thêm 20,3km bờ biển bị sạt lở. Một số tỉnh có nhiều đoạn bờ biển bị sạt lở là: Nghệ An 9 đoạn; Hà Tĩnh 11 đoạn; Thừa Thiên Huế 10, Quảng Ngãi 14; Bình Định 9; Phú Yên 14. Nhu cầu kinh phí để khắc phục hiện trạng SLBB là gần 13.000 tỉ đồng.

Theo Tổng cục PCTT, tình trạng SLBB miền Trung diễn ra với quy mô, tốc độ ngày càng gia tăng. Một số khu vực trung bình bị xói lở 5-10m/năm, cá biệt có nơi tới 25m/năm (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế; phường Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Tìm hiểu nguyên nhân khiến tình trạng SLBB ngày càng phức tạp, Tổng cục PCTT cho biết, cùng với tác nhân do con người, thì khu vực miền Trung có đặc điểm tự nhiên gây bất lợi cho việc giữ ổn định bờ biển. Theo đó, khu vực ven biển miền Trung có sóng tương tác vào bờ biển mạnh. Khu vực này còn có 32 cửa sông. Các cửa sông rộng, giãn hình phễu, chịu tác động mạnh của thủy triều và sóng, hình thành dải cát ngầm khu vực cửa sông làm diễn biến sạt lở, bồi lắng phức tạp. Trong khi đó, rừng ngập mặn chỉ có tại một số khu vực cửa sông từ Nghệ An tới Quảng Bình, còn lại hầu như không có.

Tình trạng biển xâm thực khiến nhiều người dân khu vực miền Trung bị mất đất, mất nhà. Ảnh: CTV

Tình trạng biển xâm thực khiến nhiều người dân khu vực miền Trung bị mất đất, mất nhà. Ảnh: CTV

Một tác nhân khác khiến SLBB miền Trung diễn ra nhanh và phức tạp là do các yếu tố thời tiết cực đoan. Khu vực này hứng chịu khoảng 70-80% số cơn bão đổ bộ vào Việt Nam. Trong khi đó, bão và áp thấp nhiệt đới gia tăng cả về tần suất và cường độ. Từ năm 2010 đến 2015, trung bình có 7 cơn bão/năm. Đến giai đoạn 2015-2020 trung bình có 11 cơn/năm, tăng 28%. Điển hình năm 2017 có 21 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; tháng 10-2020 có 4 cơn bão, nhiều nhất trong vòng 37 năm trở lại đây tính từ năm 1983.

Trên thực tế, các địa phương đã ứng dụng một số giải pháp mềm để chống sạt lở nhưng đều đã hư hỏng hoàn toàn. Các chuyên gia đã đưa ra các giải pháp công trình cứng như xây dựng tuyến kè phù hợp, bảo đảm ổn định; phun cát tạo bãi; xây đê ngầm giảm sóng.

Tuy nhiên giải pháp được cho là bền vững nhất vẫn là các giải pháp phi công trình. Theo đó, các địa phương cần lồng ghép các chương trình, dự án phòng chống SLBB vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý các dải cồn cát ven biển, rừng ngập mặn khu vực cửa sông, các công trình bảo vệ bờ hiện có.

Bên cạnh đó, quản lý việc khai thác, nuôi trồng thủy hải sản theo quy hoạch. Cùng với đó, cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch dân cư, phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển; xây dựng giải pháp quản lý tổng hợp vùng bờ biển, giám sát chặt chẽ việc xây dựng các công trình du lịch, dân sinh ven biển.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bo-bien-bi-sat-lo-tram-trong-hon-do-thien-tai-post435872.html