Bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS sẽ giúp thay đổi dần tư duy 'chuộng bằng cấp'
Không còn bằng tốt nghiệp THCS, học sinh chỉ cần xác nhận hoàn thành chương trình học từ hiệu trưởng. Đề xuất này đang được nhiều hiệu trưởng ủng hộ.
.t1 { text-align: justify; }
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục để lấy ý kiến góp ý.
Tại dự thảo, một trong những thay đổi là hình thức xác nhận tốt nghiệp trung học cơ sở. Theo đó, học sinh học hết chương trình tiểu học, chương trình trung học cơ sở, đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được hiệu trưởng nhà trường xác nhận qua học bạ thay vì Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo của quận, huyện cấp bằng tốt nghiệp như hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải, việc điều chỉnh này nhằm phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, đồng thời phù hợp với mục tiêu phổ cập giáo dục và với xu thế quốc tế.
Bỏ bằng tốt nghiệp tạo nhiều thuận lợi cho nhà trường và học sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Long Biên, thành phố Hà Nội) chia sẻ: "Việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và thay bằng xác nhận hoàn thành chương trình học từ hiệu trưởng là một chủ trương phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Trình độ dân trí hiện tại cùng với chính sách phổ cập giáo dục đã giúp cho bằng tốt nghiệp trung học cơ sở gần như trở thành một điều hiển nhiên đối với phần lớn học sinh. Vì vậy, thay đổi hình thức từ cấp bằng sang xác nhận của hiệu trưởng không làm ảnh hưởng đến chất lượng hay quyền lợi của học sinh, mà chủ yếu nhằm giảm tải thủ tục hành chính và tăng tính chủ động cho các nhà trường".

Thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An. Ảnh: Website Trường.
Nhất trí với đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy Tuấn phân tích, đất nước đang có những thay đổi lớn, đặc biệt là sự điều chỉnh chính quyền về hai cấp. Trước đây, học sinh muốn nhập học hoặc chuyển cấp cần có bằng tốt nghiệp do Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp. Nay, theo dự thảo mới, quyền xác nhận hoàn thành chương trình sẽ được trao về cho hiệu trưởng các trường trung học cơ sở - người trực tiếp nắm bắt quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Đây là một cách làm thiết thực, linh hoạt và sát với thực tế hơn.
“Thay vì phải chờ đợi cấp bằng, học sinh chỉ cần một bản xác nhận qua học bạ là đã có thể làm thủ tục chuyển cấp hay học nghề. Điều này giúp các em tiết kiệm thời gian, tránh phải cầm theo nhiều giấy tờ không cần thiết", thầy Tuấn nhận định.
Ở góc độ quản lý, vị nhà giáo cho rằng việc giao quyền cho hiệu trưởng cũng là một bước thể hiện niềm tin của cơ quan quản lý đối với các cơ sở giáo dục, đồng thời khuyến khích trách nhiệm và sự minh bạch trong đánh giá học sinh. Đây là hướng đi tích cực, phù hợp với xu thế quốc tế và tình hình thực tiễn trong nước.
Thầy Tuấn khẳng định, nếu làm chặt chẽ, nghiêm túc thì việc hiệu trưởng ký xác nhận thay cho bằng cấp sẽ góp phần làm hệ thống giáo dục vận hành hiệu quả, gọn nhẹ hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng và công bằng.
"Học bạ và xác nhận hoàn thành chương trình là đủ để xét lên bậc học cao hơn hoặc định hướng nghề nghiệp phù hợp. Giáo viên và nhà trường có thể căn cứ vào kết quả học tập để phân luồng rõ ràng, khách quan hơn, thay vì chỉ nhìn vào một tấm bằng mang tính thủ tục", thầy Tuấn cho biết thêm.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã lý giải rõ trong Dự thảo, việc điều chỉnh này nhằm phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, đồng thời phù hợp với mục tiêu phổ cập giáo dục và với xu thế quốc tế.
Nhiều quốc gia phát triển (Mỹ, Canada, Anh, Úc, Phần Lan) không cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở mà sử dụng xác nhận của hiệu trưởng về kết quả học tập ở lớp dưới để xét học ở bậc học cao hơn hoặc phân luồng.

Thầy Bùi Duy Quốc - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh. Ảnh: Website Trường
Thầy Bùi Duy Quốc - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) cũng bày tỏ sự đồng tình trước đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
Theo thầy Quốc, đây là một chủ trương hợp lý và rất thiết thực, không chỉ giúp tinh giản quy trình hành chính mà còn giảm áp lực cho nhà trường, học sinh và cả các cơ quan quản lý.
“Trước đây, việc xét tốt nghiệp tốn rất nhiều công đoạn: phải thành lập hội đồng, gửi hồ sơ lên Phòng Giáo dục, kiểm tra chéo giữa các trường, rồi kiểm định lại hồ sơ, thậm chí còn phải đóng kinh phí cho các hoạt động kiểm tra. Giờ nếu chỉ cần thao tác hiệu trưởng xác nhận học sinh hoàn thành chương trình là đủ, sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí", thầy Quốc phân tích.
Theo đó, quy trình xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở qua nhiều quy trình. Cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch xét công nhận tốt nghiệp; thông báo công khai kế hoạch xét công nhận tốt nghiệp; tiếp nhận và chuẩn bị hồ sơ dự xét công nhận tốt nghiệp theo quy định nêu trên để bàn giao cho Hội đồng.
Căn cứ hồ sơ dự xét công nhận tốt nghiệp, Hội đồng tổ chức xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh; lập biên bản xét công nhận tốt nghiệp và danh sách học sinh được đề nghị công nhận tốt nghiệp. Biên bản đề nghị công nhận tốt nghiệp phải có đầy đủ họ tên, chữ kí của các thành viên Hội đồng.
Hội đồng gửi hồ sơ đề nghị công nhận tốt nghiệp cho cơ sở giáo dục trình Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo ra quyết định công nhận tốt nghiệp cho học sinh theo đề nghị của cơ sở giáo dục.
Do đó, khi để hiệu trưởng xác nhận kết quả học tập ở lớp dưới để học sinh xét học ở bậc học cao hơn hoặc phân luồng, sẽ bỏ được khâu cuối cùng. Mọi thao tác trước đó đều thực hiện ngay tại trường, giúp tiết kiệm thời gian đáng kể.
Việc thay đổi từ cấp bằng sang xác nhận của hiệu trưởng cũng không làm phát sinh rào cản gì lớn trong công tác quản lý hồ sơ hay chuyển cấp. Bởi theo thầy Quốc, bản chất của bằng tốt nghiệp cũng chỉ là một hình thức ghi nhận quá trình học tập. Nay chuyển sang xác nhận từ người đứng đầu nhà trường - người trực tiếp theo sát học sinh sẽ còn khách quan và sát thực tế hơn.
Trong thực tế tuyển sinh tại Đà Nẵng, học sinh muốn thi lên lớp 10 hoặc đăng ký học nghề đều cần có giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học cơ sở. Nếu dự thảo được thông qua, xác nhận hoàn thành chương trình trong học bạ sẽ đóng vai trò tương đương, giúp học sinh hoàn thiện hồ sơ mà không cần thêm thủ tục nào khác.
Dễ dàng phân luồng, hết tư duy “tiếc bằng tốt nghiệp”
Thầy Hoàng Thế Hanh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phú Gia (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cho hay: "Tôi hoàn toàn đồng tình với đề xuất bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Đây là một chủ trương tiến bộ, giúp giảm bớt thủ tục hành chính, đồng thời tăng tính chủ động và linh hoạt cho các nhà trường".
Theo thầy Hanh, thay vì chờ đợi cấp bằng như trước, giờ đây học sinh chỉ cần một bản xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở qua học bạ là đã có thể xét tuyển vào bậc học cao hơn hoặc các trường nghề. Cách làm này giúp nhà trường thực hiện quy trình nhanh gọn hơn, học sinh không phải mang theo quá nhiều giấy tờ, đặc biệt là tăng cường sự đánh giá quá trình học tập toàn diện, thay vì chỉ dồn áp lực vào kỳ thi cuối cấp.
“Trước đây, một số học sinh chỉ tập trung học ở những năm cuối để thi chuyển cấp. Giờ đây, khi toàn bộ quá trình học được phản ánh rõ ràng qua học bạ và còn có thêm hiệu trưởng xác nhận thì cả học sinh lẫn giáo viên sẽ phải nghiêm túc và liên tục trong suốt hành trình học tập”, thầy Hanh chia sẻ.
Hiện tại, Trường Trung học cơ sở Phú Gia đã và đang triển khai công tác phân luồng theo đúng định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo thầy Hanh, xác nhận kết quả học tập thay cho bằng cấp sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác phân luồng. Khi nhà trường căn cứ vào toàn bộ học bạ, tức là quá trình học thật, kết quả thật sẽ dễ dàng hơn trong việc tư vấn hướng đi phù hợp với từng học sinh.

Thầy Hoàng Thế Hanh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phú Gia. Ảnh: Website Trường.
Ngoài ra, việc xác nhận qua học bạ cũng giúp các em học sinh được phân luồng có thể sớm hoàn tất hồ sơ để nộp vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc trường trung học phổ thông mà không cần chờ đợi bằng tốt nghiệp chính thức như trước. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, tạo điều kiện cho học sinh chủ động hơn trong việc lựa chọn con đường tiếp theo.
Tuy nhiên, thầy Hanh cũng lưu ý rằng để đảm bảo công bằng và chất lượng, việc hiệu trưởng được trao quyền xác nhận kết quả học tập đòi hỏi quy trình đánh giá phải chặt chẽ, chính xác và đúng quy định hơn nữa. Trước đây, các thủ tục liên quan thường có sự kiểm tra, hỗ trợ từ cấp trên, còn hiện nay, khi tự chịu trách nhiệm thì nhà trường càng phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc trong đánh giá và xét tốt nghiệp.
“Tôi mong rằng sau khi hết thời gian lấy ý kiến, nếu được thông qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để các trường có thể chuẩn bị kỹ lưỡng và đồng bộ trong triển khai", thầy Hanh bày tỏ.
Vị hiệu trưởng cũng cho biết thêm, nếu làm tốt, thay đổi này sẽ không chỉ góp phần giảm tải cho học sinh và nhà trường, mà còn giúp phụ huynh thay đổi dần tư duy “chuộng bằng cấp”, sẵn sàng đồng hành cùng con trong việc lựa chọn hướng đi phù hợp thay vì ép buộc bắt buộc phải vào trung học phổ thông, từ chối phân luồng vào trường nghề.
“Phụ huynh sẽ nhẹ gánh hơn, không còn cảm giác ‘có bằng tốt nghiệp mà không học lên trung học phổ thông là phí’. Khi hiệu trưởng xác nhận kết quả học tập ở lớp dưới, phụ huynh sẽ nhìn vào quá trình học của con, họ sẽ cởi mở hơn với các lựa chọn thực tế, sát năng lực và sở trường của học sinh”, thầy Hanh nói thêm.
Về phía Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh, hiệu trưởng nhà trường nhận định, trong công tác phân luồng, nhà trường hiện đã có nhiều hoạt động tư vấn, giúp học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực và sở thích. Trong trường hợp học sinh không đỗ vào các trường trung học phổ thông công lập, việc chuyển hướng sang các trường nghề cũng là lựa chọn đáng cân nhắc.
“Các trường nghề hiện nay vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề. Khi tốt nghiệp, các em vừa có bằng nghề, vừa có bằng văn hóa. Với nhiều học sinh có năng khiếu thực hành, đây là con đường rất hiệu quả. Do đó, ngay khi học sinh hoàn thành chương trình trung học cơ sở và được hiệu trưởng xác nhận, có thể lập tức phân luồng và lựa chọn vào trường nghề, không cần đợi bằng", thầy chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, thầy Quốc cũng nhấn mạnh, việc không cấp bằng tốt nghiệp không đồng nghĩa với việc học sinh được quyền chủ quan, học đối phó chỉ để đủ điều kiện tốt nghiệp. Ngược lại, toàn bộ quá trình học tập sẽ được thể hiện rõ ràng trong học bạ và xác nhận của hiệu trưởng, đây chính là cơ sở để các trường cấp trên xét tuyển hoặc phân luồng nên học sinh càng phải học hành nghiêm túc.
Về phía phụ huynh, ban đầu có thể sẽ có sự băn khoăn, bởi tâm lý “phải có bằng” vẫn còn phổ biến. Tuy nhiên, theo vị hiệu trưởng này, khi xã hội dần quen với hình thức xác nhận và thấy rõ lợi ích thực tế trong việc đẩy nhanh hồ sơ xét tuyển hay phân luồng, tâm lý ấy sẽ thay đổi.