Bộ Chính trị 2 lần nghe báo cáo, Chính phủ đã họp tới 20 cuộc để chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở cấp cao nhất đã có sự chỉ đạo rất sát sao và quyết liệt đối với việc xử lý các dự án yếu kém. Chưa có nhóm dự án nào mà Bộ Chính trị 2 lần nghe báo cáo tình hình. Quốc hội cũng có Nghị quyết số 33 từ năm 2006 để chỉ đạo giải quyết. Chính phủ khóa trước và khóa này đã có tới 20 cuộc họp để chỉ đạo.
Việc xử lý dự án yếu kém mang tính lịch sử
Tại Tọa đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo", TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, việc xử lý dự án yếu kém mang tính lịch sử. Nguyên nhân được nhận diện là tồn tại về tài chính để lại quá lớn. Tổng mức đầu tư hầu hết phải điều chỉnh lên cao so với dự toán ban đầu.
Bên cạnh đó, cơ cấu nguồn vốn của các dự án chủ yếu bằng nguồn vay với lãi suất cao. Khi đưa vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo thì đã thua lỗ nặng nề. Một số dự án không còn vốn chủ sở hữu. Hầu hết không có khả năng trả nợ đến hạn.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, để việc xử lý các dự án yếu kém có kết quả tích cực như hiện nay, Bộ Công Thương đã đóng góp vai trò không nhỏ. Bộ Công Thương đã cùng các đơn vị tham mưu cho Chính phủ cách "chèo chống" xử lý vấn đề này.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng đề nghị Thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá như thế nào, sắp tới cần tiếp tục xử lý ra sao?
Chưa có nhóm dự án nào mà Bộ Chính trị 2 lần nghe báo cáo tình hình
Trả lời vấn đề này, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: 12 dự án này bắt đầu từ rất lâu, có những dự án được chuẩn bị từ năm 2005-2009.
Những khó khăn của các dự án cũng rất đa dạng như tổng mức đầu tư tăng lên, rồi chi phí vay vốn cao. Cũng có những vấn đề của thị trường như là vấn đề phân bón và nhiên liệu sinh học. Có những dự án vướng ở vấn đề liên quan đến tranh chấp hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở cấp cao nhất đã có sự chỉ đạo rất sát sao và quyết liệt đối với các dự án này. Chưa có nhóm dự án nào mà Bộ Chính trị 2 lần nghe báo cáo tình hình. Quốc hội cũng có Nghị quyết số 33 từ năm 2016 (Quốc hội khóa XIV).
Với tư cách tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công Thương đã rà soát các dự án và báo cáo với Chính phủ lập 1 Ban Chỉ đạo để xử lý các dự án này.
Chính phủ cũng cử 1 đồng chí Phó Thủ tướng làm Trưởng ban Chỉ đạo, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó Trưởng ban Thường trực. Đến năm 2019, do chuyển đổi cơ cấu quản lý, chúng ta chuyển Phó Trưởng ban thường trực sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương với vai trò là Trưởng ban Thường trực cũng đã tham mưu với Thủ tướng, với Ban Chỉ đạo ban hành kế hoạch hành động thực hiện đề án và Chính phủ đã có Quyết định 1468 phê duyệt Đề án, sau đó ban hành Quyết định 4269 về kế hoạch hành động.
Chính phủ đã có tới 20 cuộc họp để chỉ đạo
Trong quá trình chúng ta xử lý các dự án này, Chính phủ khóa trước và khóa này đã có tới 20 cuộc họp để chỉ đạo. Sự tham gia của các bộ, ngành gồm Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp cũng rất sát sao.
Các tổ chức tín dụng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ và những nhà tài trợ vốn cho dự án cũng đã tham gia rất tích cực, kể cả các giải pháp liên quan đến chính sách như khấu hao…
"Có thể nói chưa bao giờ chúng ta thấy các dự án nhận được sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục như vậy", Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Phải xử lý dứt điểm các dự án yếu kém
Theo ông Đặng Hoàng An, những vấn đề liên quan tới chính sách, cơ chế đã căn bản được tháo gỡ và đấy cũng là cơ sở để chúng ta báo cáo Bộ Chính trị xử lý bước đầu các dự án.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, một số dự án đã được đưa ra khỏi danh mục các dự án yếu kém. Hiện nay, một số dự án đã có khởi sắc thực sự.
Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu, vì thời gian kéo dài lâu cho nên ta phải tìm cách xử lý dứt điểm. Cái gì làm được ta phải xử lý dứt điểm, không sẽ kéo dài từ ngày này sang tháng khác.
Kết quả tích cực bước đầu như vừa qua có sự chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thứ trưởng Đặng Hoàn An nhấn mạnh./.