Bộ Chính trị yêu cầu rà soát an ninh với dự án đầu tư nước ngoài
Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Nghị quyết nhận định hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, có đóng góp trong tăng thu ngân sách, ổn định kinh tế vĩ mô.
Dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh cả những vấn đề mới. Theo đó, thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài chưa theo kịp yêu cầu phát triển; chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định; cơ chế và năng lực xử lý tranh chấp hiệu lực, hiệu quả chưa cao.
Cùng với đó, số lượng dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn; phân bố không đều; tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký thấp. Tỷ trọng đóng góp cho ngân sách Nhà nước có xu hướng giảm.
Đặc biệt, các hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách lao động, tiền lương… làm phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế.
Hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng.
Theo nhận định của Bộ Chính trị, những hạn chế, yếu kém trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Cụ thể, do nhận thức chưa đầy đủ, thu hút đầu tư nước ngoài còn thiếu chọn lọc. Trong khi đó, nhiều chính sách pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn.
Năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài nhiều nơi còn hạn chế, thiếu tính chủ động, sáng tạo; khả năng phân tích, dự báo còn bất cập. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm có lúc, có nơi chưa nghiêm.
Quan điểm chỉ đạo được Bộ Chính trị nhấn mạnh là phải chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Cùng với đó, đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài và kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước.
Bộ Chính trị nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế. Đồng thời, khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài.
Không gia hạn dự án sử dụng công nghệ lạc hậu
Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ Chính trị đề ra nhiều giải pháp.
Trước hết là hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài. Trong đó, nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng".
Nghiên cứu bổ sung quy định "điều kiện về quốc phòng, an ninh" trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
Cùng với đó là hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư. Trong đó, xây dựng cụ thể danh mục hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài, phù hợp với các cam kết quốc tế; ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng như nhà đầu tư trong nước.
Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Đặc biệt, không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.
Nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư cũng được Bộ Chính trị đề cập trong Nghị quyết này.
Không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.
Theo đó, Bộ Chính trị lưu ý việc sửa đổi, bổ sung quy định bảo đảm quyền, nghĩa vụ, công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, vốn đầu tư, thu nhập và lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư và chủ thể có liên quan, phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm.
Bộ Chính trị yêu cầu quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư về bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư, triển khai dự án và hoạt động của doanh nghiệp trong suốt thời gian thực hiện dự án.
Cùng với các nhiệm vụ đó, các chính sách về quản lý, giám sát đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư phải được quan tâm hoàn thiện.
Bộ Chính trị lưu ý việc chú trọng kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu; xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện đúng cam kết.