Bỏ chương trình thực tập sinh kỹ năng, Nhật Bản thiếu lao động
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định mở rộng chương trình lao động kỹ năng đặc định từ ba lĩnh vực lên 12 lĩnh vực.
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định mở rộng chương trình lao động kỹ năng đặc định từ ba lĩnh vực lên 12 lĩnh vực, qua đó đảm bảo giải quyết bài toán thiếu nguồn nhân lực sau khi xóa bỏ chương trình thực tập sinh kỹ năng, trong bối cảnh nước này đang phải đối diện với tình trạng già hóa dân số.
Chương trình Kỹ năng đặc định là chương trình tiếp nhận lao động của Nhật Bản với mục đích đưa người lao động sang Nhật Bản làm việc, nâng cao tay nghề, kỹ năng, cải thiện tác phong làm việc công nghiệp, ngoại ngữ,…
Quyết định trên của Chính phủ Nhật Bản được đưa ra sau cuộc họp với các bộ trưởng liên quan về vấn đề người nước ngoài lao động tại Nhật Bản. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, với thực trạng thiếu lao động hiện nay, điều quan trọng là cần phải đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hấp dẫn để lao động nước ngoài lựa chọn đến làm việc lâu dài.
Với phương châm xóa bỏ chương trình thực tập sinh kỹ năng và xây dựng một hệ thống mới nhằm mục đích “bảo đảm” và “phát triển nguồn nhân lực”, Chính phủ Nhật Bản quyết định sẽ mở rộng thêm 9 lĩnh vực cho lao động kỹ năng đặc định như nông nghiệp, nhà ở, chế tạo máy móc… ở nhóm đối tượng lao động kỹ năng đặc định loại 2 thay vì chỉ giới hạn ở hai lĩnh vực là xây dựng và đóng tàu.
Người lao động sẽ được phép bảo lãnh người thân, gia đình sang Nhật Bản sống cùng và còn có quyền xin thị thực vĩnh trú. Như vậy, cùng với ngành điều dưỡng theo hệ thống riêng, người lao động nước ngoài hoàn toàn có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản trên 12 lĩnh vực.
Năm 1993, Nhật Bản ra mắt chương trình thực tập sinh dành cho người nước ngoài vào nhằm chuyển giao kiến thức và kỹ năng của Nhật Bản cho thực tập sinh từ các nước đang phát triển, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất. Các thực tập sinh được phép làm việc tới 5 năm.
Tuy nhiên, chương trình này bị chỉ trích là không đúng với mục đích đề ra và chỉ đơn thuần là tạo điều kiện cho công ty nhập khẩu lao động giá rẻ. Ngoài ra, cũng có nhiều cáo buộc vi phạm quyền con người như việc các doanh nghiệp lạm dụng thể chất của thực tập sinh và khấu trừ tiền lương,.
Trước tình hình đó, trong tháng Tư, hội đồng chuyên gia chính phủ đã nhóm họp và đề xuất xóa bỏ chương trình thực tập sinh kỹ năng và xây dựng một mô hình mới cho các lao động nước ngoài tại Nhật Bản.
Dự thảo đầu tiên đã vấp phải sự phản đối của nhiều doanh nghiệp đang sử dụng một lượng lớn lao động là thực tập sinh nước ngoài, cho rằng việc xóa bỏ đột ngột gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm lực lượng lao động thay thế.
Do đó, phương án điều chỉnh trên được đánh giá là đảm bảo giải quyết bài toán thiếu nguồn nhân lực tại quốc gia đang phải đối diện với tình trạng già hóa dân số ngày càng nghiêm trọng như Nhật Bản.
Ngoài ra, hội đồng chuyên gia chính phủ cũng sẽ tiếp tục thảo luận về phạm vi cho phép thay đổi công việc và trình độ tiếng Nhật bắt buộc trước khi làm việc, những nội dung vốn không được quy định trong chương trình thực tập sinh kỹ năng. Bên cạnh đó, yêu cầu đối với các tổ chức giám sát tình trạng vi phạm nhân quyền đối với người nước ngoài sẽ được thắt chặt hơn.
Chương trình lao động kỹ năng đặc định được giới thiệu vào năm 2019 theo hai nhóm thị thực loại 1 và loại 2. Trong đó, loại 1 được áp dụng đối với những lao động nước ngoài ở 14 lĩnh vực đã trải qua kỳ kiểm tra tiếng Nhật và điều kiện kỹ năng, có thời hạn lưu trú tối đa là 5 năm.
Trong khi loại 2 có nhiều ưu đãi hơn nhưng chỉ áp dụng đối với 2 lĩnh vực là xây dựng và đóng tàu. Nếu vượt qua được kỳ kiểm tra kỹ năng, tức là được công nhận là công nhân lành nghề, lao động nước ngoài sẽ được chuyển sang loại 2.
Theo kế hoạch, chính phủ dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm 9 lĩnh vực mới cho lao động kỹ năng đặc định từ mùa Thu năm nay và chính thức cấp tư cách thị thực loại 2 từ đầu năm 2024 cho những người đủ điều kiện./.