Bỏ con mới sinh: Hành vi xâm hại quyền con người, quyền trẻ em
Không ít vụ việc xảy ra khi nhiều người có hành vi vứt trẻ sơ sinh nơi đồng hoang, trước cửa nhà dân, cổng chùa... Đây là hành vi không những vi phạm tiêu chuẩn đạo đức truyền thống mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại quyền con người, quyền trẻ em.
Bé trai sơ sinh 1 ngày tuổi bị bỏ rơi
Ngày 7/6, lãnh đạo UBND xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cho biết, trên địa bàn xã, người dân vừa phát hiện bé trai sơ sinh 1 ngày tuổi bị bỏ rơi giữa thời tiết nắng nóng, nằm trong túi nilon màu đen.
Trước đó, khoảng 15h chiều 6/6, một người dân ở thôn Đồng Vi, xã Đông La phát hiện một bé sơ sinh bị bỏ rơi tại ngã ba cột điện gần cổng làng Đồng Vi (giáp đường tránh QL 10), trong thời tiết nắng nóng. Thời điểm phát hiện, bé không một mảnh vải che thân, nằm trong túi nilon màu đen.
Ngay sau khi nhận được thông tin, các đơn vị chức năng tiến hành lập biên bản, đưa bé về Trạm Y tế xã Đông La kiểm tra sức khỏe. Qua kiểm tra, cháu bé là bé gái mới sinh, còn nguyên dây rốn. Bé nặng 3,3kg. Do bị nằm ngoài trời nắng nên hai má bé bị cháy đỏ.
UBND xã Đông La đang thực hiện các thủ tục pháp lý và phát đi thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của xã để tìm thân nhân trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trên địa bàn. Trong thời gian 7 ngày nếu bố mẹ cháu bé không đến nhận con, địa phương sẽ làm các thủ tục theo quy định.
Vụ việc bỏ con mới đẻ vừa qua không phải hi hữu, trước đó đã có rất nhiều vụ bỏ con mới sinh xảy ra ở nhiều nơi. Cũng đã có vụ bị xử lý hình sự. Trước đó, tháng 6/2020, Cơ quan CSĐT CA thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Thành (SN 1989, trú tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) để điều tra về hành vi vứt bỏ con mới đẻ.
Cụ thể, vào khoảng 15h40 ngày 8/6/2020, người dân phát hiện một bé trai bị bỏ rơi dưới hố ga phía sau đền Mẫu (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), trong tình trạng không có quần áo mặc, 2 mắt, mũi, miệng, cơ thể đang bị côn trùng, dòi bọ bám dính.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng xã Thanh Mỹ cùng nhân viên y tế đã cho sơ cứu cháu bé rồi đưa vào BV Đa khoa Sơn Tây rồi chuyển xuống BV Xanh - Pôn để cấp cứu. Cháu bé bị nhiễm trùng trùng nặng, rối loạn đông máu, nguy hiểm đến tính mạng. Đến khoảng 13h30 ngày 29/6, cháu bé đã tử vong. Sự việc khiến nhiều người vô cùng đau xót, thương cho cháu bé tội nghiệp.
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, CA thị xã Sơn Tây phối hợp VKSND thị xã và các đơn vị chức năng khẩn trương khám nghiệm hiện trường, tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ người bỏ rơi cháu bé là Phạm Thị Thành - mẹ cháu bé.
Có thể xử lý hình sự
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Hùng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người có một trong các hành vi sau đây: Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; Cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật;
Cha, mẹ; người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Như vậy, người mẹ nếu bỏ rơi con mới sinh thì sẽ bị phạt hành chính số tiền lên đến 15.000.000 đồng. Bên cạnh đó, người mẹ bắt buộc phải nhận con về và thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con mình khôn lớn. Trong trường hợp hành vi bỏ rơi con mới sinh dẫn đến hậu quả là đứa trẻ đó bị chết thì người mẹ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, việc bỏ con mới sinh còn có thể xử lý hình sự. Căn cứ theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự về tội "Giết người" hoặc vứt bỏ con mới đẻ cụ thể như sau: Người mẹ nào do ảnh hưởng năng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Như vậy, không phải chỉ hành vi giết con mới đẻ thì mới bị chịu trách nhiệm hình sự mà đối với hành vi vứt con mới đẻ trong vòng 7 ngày tuổi mà dẫn đến đứa trẻ chết thì người mẹ vẫn phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật.
Cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ trình độ hiểu biết, hoàn cảnh gia đình, cảm xúc, nhận thức của đối tượng để xác định người này có thực sự "bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu" hay "trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt" không. Nếu có căn cứ xác định người phụ nữ đã mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác dẫn đến mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi khi vứt bỏ con, thì người mẹ không bị xử lý hình sự xong sẽ bị bắt buộc chữa bệnh.