Bộ Công an chủ trì triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 165/2025/NĐ-CP ngày 30/6 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dữ liệu.
Tại Chương II, Nghị định quy định cụ thể về các hoạt động xử lý dữ liệu, trong đó đề cập đến tiêu chí xác định dữ liệu quan trọng và dữ liệu cốt lõi; hoạt động lưu trữ, truy cập và truy xuất dữ liệu; hỗ trợ chủ sở hữu dữ liệu kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ quan Nhà nước; cung cấp dữ liệu cho các cơ quan này; xác nhận, xác thực và công khai dữ liệu; mã hóa, giải mã dữ liệu; chuyển và xử lý dữ liệu xuyên biên giới; cùng nhiều hoạt động khác liên quan đến xử lý dữ liệu.
Chương III tập trung vào nội dung quản trị, quản lý và bảo vệ dữ liệu. Nghị định quy định về quản trị dữ liệu, xác định và kiểm soát rủi ro trong quá trình xử lý, bảo vệ dữ liệu trong toàn bộ vòng đời khai thác, quản lý nhân sự và đào tạo chuyên môn về bảo vệ dữ liệu, giám sát bảo mật, cảnh báo sớm và xử lý khẩn cấp khi có sự cố dữ liệu xảy ra.
Chương IV của Nghị định dành riêng cho việc xây dựng và vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia cũng như Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Theo đó, Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ phát triển hạ tầng điện toán đám mây và thiết lập các vùng chức năng đáp ứng nhu cầu lưu trữ, khai thác, tích hợp và bảo mật dữ liệu của các cơ quan Nhà nước.
Bên cạnh đó, trung tâm còn xây dựng hệ thống tính toán hiệu suất cao và hệ thống phân tích dữ liệu nhằm phục vụ công tác dự báo, quản lý và xây dựng chính sách quốc gia; đồng thời hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm, dịch vụ dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Công an chủ trì triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Ảnh: Bộ Công an.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm dữ liệu quốc gia là xây dựng và vận hành Cổng dữ liệu quốc gia. Đây là đầu mối để các cơ quan Nhà nước công bố thông tin về dữ liệu đang quản lý, cung cấp và chia sẻ dữ liệu mở. Việc công khai dữ liệu không chỉ nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ mà còn khuyến khích đổi mới sáng tạo, cải thiện dịch vụ công, hỗ trợ hoạch định chính sách và thúc đẩy nghiên cứu khoa học phục vụ lợi ích chung.
Trung tâm dữ liệu quốc gia cung cấp 3 nhóm dịch vụ chính. Thứ nhất là dịch vụ hạ tầng nhà trạm, bao gồm chỗ đặt máy chủ, hệ thống điện, điều hòa và thiết bị liên quan, cho phép cơ quan, tổ chức chủ động kiểm soát hệ thống của mình. Thứ hai là dịch vụ cung cấp máy chủ, thiết bị mạng, bảo mật và lưu trữ phù hợp với nhu cầu từng đơn vị. Thứ ba là dịch vụ triển khai và vận hành hạ tầng kỹ thuật phục vụ các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin của quốc gia.
Các cơ quan Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội có thể đề xuất nhu cầu sử dụng các dịch vụ này thông qua văn bản gửi Trung tâm dữ liệu quốc gia, trong đó nêu rõ mục đích, quy mô hệ thống, nhu cầu nhân lực và các yêu cầu kỹ thuật.
Trung tâm dữ liệu quốc gia còn đóng vai trò hỗ trợ Bộ Công an trong công tác quản lý Nhà nước về dữ liệu. Trung tâm có trách nhiệm hướng dẫn việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến dữ liệu; thực hiện giám sát chất lượng dữ liệu được chia sẻ và đồng bộ; điều phối dữ liệu từ cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và áp dụng các biện pháp bảo vệ dữ liệu xuyên suốt quá trình xử lý.
Trung tâm cũng có thể ký kết các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ với các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy hợp tác về bảo vệ dữ liệu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và khai thác dữ liệu xuyên biên giới.
Bộ Công an là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm ban hành danh mục vị trí việc làm tại trung tâm, xây dựng cơ chế thu hút và đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để bảo đảm nguồn lực vận hành trung tâm dữ liệu quốc gia, Nghị định quy định mức hỗ trợ 500.000 đồng/ngày làm việc cho cán bộ, chiến sĩ làm việc tại đây. Khoản hỗ trợ này được trích từ nguồn thu phí khai thác, sử dụng dữ liệu trong cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia sau khi nộp ngân sách Nhà nước.
Các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc trung tâm có thể vận dụng chế độ này để áp dụng với đội ngũ làm công tác chuyên môn về dữ liệu, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống dữ liệu quốc gia.