Bộ Công an đề nghị truy tố trùm đa cấp Nguyễn Thế Kiên cùng đồng phạm
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra bổ sung vụ án hình sự 'Nguyễn Thế Kiên cùng đồng phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản' xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác.
Thông tin từ Bộ Công an cho biết, ngày 20/5, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án Nguyễn Thế Kiên (SN 1983 tại Bắc Giang, nghề nghiệp làm ruộng) cùng đồng phạm sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố.
Theo đó, cơ quan CSĐT đề nghị truy tố đối với Nguyễn Thế Kiên, Nguyễn Hữu Trí, Lê Đình Nhân, Hà Thanh Hòa, Nguyễn Thị An và Vũ Vi Minh Trí về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" theo khoản 4 Điều 290 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, ngày 30/3, TAND TP.HCM đã mở phiên xét xử sơ thẩm với các bị cáo nêu trên về cùng tội danh. Cơ quan tố tụng đến nay xác định các bị cáo chiếm đoạt số tiền 102 tỷ đồng của hơn 160 bị hại. Ngày 31/3, TAND TP.HCM trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án do vụ án có thêm gần 50 bị hại nộp đơn đến Hội đồng xét xử.
Theo hồ sơ, Kiên cùng đồng phạm có nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực đa cấp. Để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, các đối tượng đã tổ chức phối hợp thành lập, điều hành hoạt động Công ty TNHH đầu tư khoáng sản Hoàng Long.
Tại đây, Kiên điều hành chỉ đạo chung, thuyết trình tại các hội thảo kêu gọi đầu tư. Các thành viên còn lại đảm nhận các vị trí dựng phần mềm, phát triển thị trường, kế toán... Tháng 6/2016, công ty được cấp giấy phép đăng ký doanh nghiệp có trụ sở đặt tại đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM.
Sau khi được cấp đăng ký kinh doanh, Kiên cùng đồng phạm không thực hiện hoạt động kinh doanh theo ngành nghề đăng ký mà dùng thủ đoạn huy động vốn theo mô hình đa cấp nhị phân, lấy tiền của bị hại gửi sau trả cho người gửi tiền trước. Các thành viên công ty hưởng lợi từ chính tiền của bị hại.
Bằng thủ đoạn nêu trên, từ ngày 1/6 đến 11/2016, Kiên cùng đồng phạm đã lấy được của 161 người bị hại tổng số tiền 102 tỷ đồng. Sau khi lấy được số tiền trên, Kiên và đồng phạm đã trả lại cho 161 bị hại 44 tỷ đồng.
Sau đó, do không có khả năng chi trả tiền gốc, lãi và hoa hồng cho nhà đầu tư, văn phòng công ty này đóng cửa, trang web ngưng hoạt động, các nhà đầu tư không liên lạc được lãnh đạo quản lý và nhân viên công ty.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo cho các bị hại và những người liên quan biết, liên hệ với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (Vụ 2) để được giải quyết.