Bộ Công an đề xuất nhiều quy định quan trọng về dẫn độ có điều kiện
Tại dự thảo Luật Dẫn độ, Bộ Công an đã đề xuất sửa đổi bổ sung nhiều quy định mới về dẫn độ có điều kiện, thông báo không thi hành hình phạt tử hình với người bị yêu cầu dẫn độ.
Về dẫn độ có điều kiện, dự thảo Luật Dẫn độ quy định, trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để đồng ý dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể chấp nhận một phần hoặc toàn bộ điều kiện này.
Trường hợp nước ngoài phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để Việt Nam đồng ý dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài chấp nhận các điều kiện này. Chính phủ hướng dẫn chi tiết Điều này.
Về thông báo không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, theo dự thảo Luật, trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan báo cáo Chủ tịch nước.
Căn cứ ý kiến của Chủ tịch nước, Bộ Công an hoặc Bộ Ngoại giao thông báo cho nước ngoài về việc không thi hành hình phạt tử hình. Trường hợp Việt Nam yêu cầu nước ngoài không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an đề nghị nước ngoài đưa ra cam kết bằng văn bản về nội dung này. Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan hướng dẫn chi tiết Điều này.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật còn quy định về không truy cứu trách nhiệm hình sự, không thi hành án đối với người bị dẫn độ ngoài tội phạm được nêu trong yêu cầu dẫn độ; không dẫn độ cho nước thứ ba.
Theo đó, người bị dẫn độ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không phải thi hành án tại nước yêu cầu dẫn độ vì một tội khác với tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ được thực hiện trước khi bị dẫn độ hoặc không bị dẫn độ cho nước thứ ba, trừ các trường hợp:
Nước được yêu cầu đã đồng ý trước đó bằng văn bản; Người bị dẫn độ đã không rời khỏi lãnh thổ của nước yêu cầu dẫn độ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người đó được tự do rời đi. Thời hạn này sẽ không bao gồm thời gian mà người đó không thể ra khỏi lãnh thổ của nước yêu cầu dẫn độ vì những lý do bất khả kháng; Người bị dẫn độ đã tự nguyện quay trở lại sau khi đã rời khỏi lãnh thổ của nước yêu cầu dẫn độ.
Quy định này nhằm bổ sung quy định về mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị dẫn độ, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như pháp luật và thông lệ quốc tế về dẫn độ.
Về quá cảnh người bị dẫn độ, dự thảo Luật quy định, việc quá cảnh người bị dẫn độ qua lãnh thổ Việt Nam phải được thông báo trước bằng văn bản đến Bộ Công an. Nước đề nghị quá cảnh người bị dẫn độ chịu trách nhiệm quản lý người đó trong thời gian quá cảnh Việt Nam, chịu mọi chi phí quá cảnh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp Việt Nam đề nghị nước ngoài cho phép quá cảnh người bị dẫn độ thì Bộ Công an liên hệ với nước ngoài để thực hiện các thủ tục xin phép quá cảnh người bị dẫn độ.