Bộ Công an nói gì về đề xuất cấp giấy phép bay cho IPP Air Cargo?
Bộ Công an là một trong 6 bộ ngành đã gửi ý kiến về Văn phòng Chính phủ đối với đề xuất cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (hàng hóa) cho IPP Air Cargo.
Bộ Công an vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ để phúc đáp Công văn số 4778/VPCP ngày 30/7/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc tham ý kiến đối với báo cáo của Bộ GTVT về cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo.
Theo Thượng tướng Lương Quang Tam, Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ GTVT theo thẩm quyền phối hợp với các bộ, ngành chức năng liên quan có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá tính chính xác các báo cáo, tài liệu trong Hồ sơ đề nghị của Công ty cổ phần IPP Air Cargo; giám sát quá trình hoạt động cũng như cam kết đảm bảo tính khả thi, hợp pháp và tuân thủ các quy định của pháp luật kinh doanh vận chuyển hàng không.
Bộ Công an đề nghị Công ty cổ phần IPP Air Cargo trong quá trình hoạt động, phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đảm bảo thực hiện tốt các mặt về an ninh, an toàn hàng không và công tác phòng, chống khủng bố, kế hoạch khẩn nguy theo quy định của pháp luật.
Vào cuối tháng 3/2022, Bộ GTVT đã có báo cáo Thủ tướng việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo.
Tại văn bản này, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép bộ này được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho IPP Air CArgo.
Trước đó, vào cuối tháng 2/2022, Bộ GTVT đã nhận được báo cáo thẩm định Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho IPP Air Cargo của Cục Hàng không Việt Nam.
Cụ thể, IPP Air Cargo có số vốn điều lệ 300 tỷ đồng do ông Nguyễn Hạnh làm Chủ tịch HĐQT xin được cấp Giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa với số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên là 5 tàu bay, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 10 tàu bay. Chủng loại tàu bay sẽ đưa vào khai thác là B737/B777/A330 và các loại tàu bay tương đương.
Mạng đường bay nội địa mà IPP Air Cargo kết nối trung tâm sản xuất như Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Nguyên (Lâm Đồng, Pleiku), Hải Phòng, Quảng Ninh... với trung tâm trung chuyển hàng hóa Hà Nội, TP.HCM để kết nối quốc tế khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, châu Âu.