Bộ Công an thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia

Ngày 25/2 tại Hà Nội, Bộ Công an ra mắt Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Đây là đơn vị tương đương cấp Cục sẽ cung cấp các dịch vụ liên quan dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, kiến tạo phát triển.

Trung tâm Dữ liệu quốc gia được Chính phủ giao Bộ Công an xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành thực hiện tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, điều phối dữ liệu của các cơ quan Nhà nước theo quy định pháp luật, nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia. Trong đó, dữ liệu tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia là nền tảng cốt lõi cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu.

Ngày 30/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 175/NQ-CP phê duyệt Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia; trong đó giao Bộ Công an thành lập Trung tâm Dữ liệu quốc gia là đơn vị tương đương cấp Cục.

Trung tâm còn có nhiệm vụ hỗ trợ hoạch định chính sách, kiến tạo phát triển, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số. Đồng thời, trung tâm sẽ cung cấp hạ tầng công nghệ cho các tổ chức chính trị - xã hội, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ quan có nhu cầu sử dụng để khai thác, vận hành.

Bộ Công an điều động Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) làm Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Các Phó giám đốc trung tâm là Đại tá Phạm Minh Tiến (Phó cục trưởng Kế hoạch và Tài chính), Đại tá Hà Nam Trung (Trưởng phòng của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) và Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh (Giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư thuộc C06).

Bộ Công an ra mắt Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Ảnh: Bộ Công an.

Bộ Công an ra mắt Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Ảnh: Bộ Công an.

Phát biểu tại sự kiện, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: “Trung tâm Dữ liệu quốc gia hướng tới mục tiêu phát huy cao độ giá trị của dữ liệu - nguồn tài nguyên quý giá, tư liệu sản xuất mới nhằm tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng tầm vị thế đất nước. Đây cũng là kho dữ liệu tổng hợp, trụ cột để phát triển các sản phẩm số và hệ thống dữ liệu tin cậy của Nhà nước, nhằm kết nối, chia sẻ, tạo ra nhiều giá trị mới cho phát triển, góp phần đảm bảo hạ tầng số an toàn, ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số”.

Bộ trưởng Lương Tam Quang yêu cầu Ban Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Về pháp lý, khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành đảm bảo đồng bộ, có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Dữ liệu.

Nghiên cứu, phát triển Quỹ đổi mới sáng tạo về khoa học dữ liệu nhằm hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích khai thác, sử dụng dữ liệu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kinh tế số.

Về dữ liệu và nghiệp vụ, cần phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để sớm hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu lõi để phát triển kho dữ liệu tổng hợp.

Xây dựng, triển khai bộ tiêu chuẩn quy hoạch kiến trúc các cơ sở dữ liệu quốc gia về phân cấp, phân loại dữ liệu; hoàn thành quy hoạch cụ thể phân kho lưu trữ, thiết lập các chính sách an ninh, an toàn thông tin đối với từng loại dữ liệu. Phối hợp nghiên cứu, xây dựng quy chế đồng bộ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước; nghiên cứu tham mưu sớm xây dựng sàn dữ liệu, cổng dữ liệu mở.

Về hạ tầng công nghệ và bảo mật, cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các điều kiện hạ tầng cần thiết, đảm bảo tiến độ để Trung tâm dữ liệu quốc gia chính thức vận hành từ ngày 19/8/2025.

Hạ tầng công nghệ phải hiện đại, có giá trị sử dụng lâu dài; thống nhất, đồng bộ trong vận hành, quản trị và bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Về nguồn lực, Bộ trưởng Lương Tam Quang đề xuất kiện toàn tổ chức theo từng giai đoạn phát triển của trung tâm; nghiên cứu, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, chiến sĩ, có kiến thức, kỹ năng và tư duy đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước; cơ chế, chính sách phù hợp huy động nguồn lực to lớn từ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia phát triển, khai thác, sử dụng dữ liệu.

Cùng với đó, Trung tâm Dữ liệu quốc gia cần đề xuất thành lập Trung tâm sáng tạo, khai thác dữ liệu quốc gia để nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu trong hoạch định chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy hợp tác quốc tế về dữ liệu…

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bo-cong-an-thanh-lap-trung-tam-du-lieu-quoc-gia-38631.html