Bộ Công an thông tin về diễn biến điều tra các vụ án sữa giả, thuốc giả
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên đã thông tin về diễn biến điều tra các vụ án sữa giả, thuốc giả xảy ra thời gian vừa qua.
Chiều 6-5, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, phóng viên đặt câu hỏi về diễn biến điều tra vụ sữa giả, thuốc giả thời gian vừa qua.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết thời gian qua có khá nhiều vụ liên quan đến sữa giả, thuốc giả…, đặc biệt có 3 vụ án chính.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin về diễn biến điều tra 3 vụ án sữa giả xảy ra thời gian vừa qua. Ảnh: VGP
Vụ án thứ nhất là sản xuất buôn bán sữa giả số lượng lớn trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đến ngày 29-4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam 15 đối tượng để điều tra về các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đưa hối lộ và môi giới hối lộ.
Vụ án thứ hai là vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, đến ngày 29-4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 14 đối tượng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.
Vụ án thứ ba là vụ việc sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sử dụng phiếu kết quả thử nghiệm giả mạo để đưa sản phẩm ra thị trường, do Công ty TNHH công nghệ Herbitech sản xuất.
Theo người phát ngôn Bộ Công an, ngày 28-4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với 4 bị can, gồm: Phạm Vũ Khiêm - Giám đốc Công ty TNHH công nghệ Herbitech, Vương Thị Hoa, Lê Thị Hồng Vân và Bùi Thị Thu Hà, là Kế toán trưởng hoặc Phụ trách bộ phận Kế toán Công ty Herbitech các giai đoạn từ 2021 đến nay, cùng về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo kết quả điều tra, Phạm Vũ Khiêm đã chỉ đạo Vương Thị Hoa, Lê Thị Hồng Vân, Bùi Thị Thu Hà lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, gồm 1 hệ thống sổ sách kế toán để kê khai thuế, thể hiện số lượng hàng hóa sản xuất, kinh doanh ít hơn nhiều so với thực tế.
Hệ thống sổ sách còn lại là để theo dõi chi tiêu nội bộ, số hàng hóa sản xuất, kinh doanh, số tiền thu được không kê khai thuế, để ngoài sổ sách kế toán số tiền hơn 121 tỉ đồng. Bước đầu xác định gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp hơn 10 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra đã xác định 2 sản phẩm bảo vệ sức khỏe Medi Kid Calcium K2 và Ăn ngon Baby Shark do Công ty TNHH công nghệ Herbitech sản xuất là hàng giả, thu giữ 115 mẫu sản phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty Herbitech sản xuất có dấu hiệu hàng giả.
Hiện, đang chờ kết quả giám định đối với các mẫu sản phẩm này.