Bộ Công an: Tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân diễn ra phức tạp

Bộ Công an đang thực hiện những bước cuối cùng để ra nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời dần tiến đến luật hóa để xử lý các hành vi liên quan để răn đe.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông sáng 4-11, việc thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân diễn ra phổ biến hiện nay là nội dung được các đại biểu quan tâm, chất vấn.

Mua bán trái phép dữ liệu cá nhân diễn ra khá phổ biến, mức phạt còn thấp

Nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Đinh Công Sỹ (Đoàn Sơn La) đề cập đến tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại, vẫn diễn ra khá phổ biến với mục đích quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, gây phiền hà cho người dân…. Đại biểu đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Đại biểu Đinh Công Sỹ (Đoàn Sơn La) đề cập đến tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân diễn ra phổ biến. Ảnh: VPQH

Đại biểu Đinh Công Sỹ (Đoàn Sơn La) đề cập đến tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân diễn ra phổ biến. Ảnh: VPQH

Trả lời đại biểu Đinh Công Sỹ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bộ đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng mức phạt gấp hai lần đối với các trường hợp vi phạm, nhưng vẫn còn ở mức thấp.

“Vừa qua chúng ta đã tăng mức phạt đối với việc thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại, lên gấp hai lần. Tuy nhiên, mức phạt mới chỉ dừng lại ở 60 triệu đồng đối với doanh nghiệp và cá nhân. Trong khi đó, ở một số nước thì phạt theo doanh thu, có nước phạt tới 6% doanh thu, có nước phạt 10% doanh thu - có nghĩa là mức phạt có thể lên đến một tỷ USD”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông trong việc bảo đảm an toàn dữ liệu thông tin; tiến tới thanh tra các doanh nghiệp bưu chính, các nhà mạng về vấn đề này. Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị xem xét quy định phạt trên phần trăm doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm.

Về hành lang pháp lý, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, Bộ Công an cũng đang thực hiện những bước cuối cùng để ra nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời dần tiến đến luật hóa để xử lý các hành vi liên quan để răn đe.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Ảnh: VPQH

Xây dựng dự thảo nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Giải trình, làm rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thẳng thắn thừa nhận: “Tình trạng này đang diễn ra rất phức tạp”. Để phòng ngừa tình trạng này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách đặc thù để bảo vệ an ninh, an toàn thông tin mạng.

“Chúng tôi đã đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét, cho ý kiến về dự thảo nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân”, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.

Cùng với đó, theo Bộ trưởng Tô Lâm, các ban, bộ, ngành, các địa phương cũng cần chủ động đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, kiểm soát chặt chẽ quy trình bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ lưu trữ thông tin. Đồng thời, xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, an ninh dữ liệu…

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Đã cấp hơn 12 triệu hồ sơ định danh điện tử cho công dân Việt Nam. Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Đã cấp hơn 12 triệu hồ sơ định danh điện tử cho công dân Việt Nam. Ảnh: VPQH

Đã cấp hơn 12 triệu hồ sơ định danh điện tử cho công dân Việt Nam

Ở góc độ liên quan, một nội dung quan trọng khác được Bộ trưởng Tô Lâm thông tin thêm tại phiên họp là về tài khoản định danh điện tử.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, năm 2022, Bộ Công an đã công bố hệ thống định danh, xác thực điện tử và đưa vào hoạt động chính thức. Đây là bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức có định danh điện tử quốc gia.

Tính đến ngày 1-11-2022, Bộ Công an đã cấp hơn 12 triệu hồ sơ định danh điện tử cho công dân Việt Nam.

Nói rõ về nhiều lợi ích của định danh điện tử, Bộ trưởng nhấn mạnh lợi ích mang lại là rất lớn: Người dân có thể dễ dàng trao đổi thông tin, tiết kiệm thời gian, công sức khi làm việc với cơ quan nhà nước; chỉ phải kê khai một lần; bảo đảm 4 “không” (không tiếp xúc, không giấy tờ, không tiền mặt và không gặp gỡ)...

“Hồ sơ này còn có thể sử dụng thay thế thẻ bảo hiểm khi khám chữa bệnh; thay thế căn cước công dân để đăng ký xe máy, sử dụng thay thế cho các giấy tờ tương ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính”, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.

NGUYỄN THẢO – CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/bo-cong-an-tinh-trang-thu-thap-mua-ban-trai-phep-du-lieu-ca-nhan-dien-ra-phuc-tap-710032