Bộ Công an trả lời cử tri Bình Thuận về 'vùng xanh' khi đo nồng độ cồn

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Bình Thuận đã có kiến nghị về việc đo nồng độ cồn ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống kinh tế của người dân.

Từ đó, cử tri đề nghị cần nghiên cứu kỹ việc đo nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông, đảm bảo tính khách quan, phù hợp với tập quán sinh hoạt, đời sống của người dân, nên có “vùng xanh” trong quy định nồng độ cồn. Và mới đây, Bộ Công an đã có văn bản trả lời về vấn đề này.

Theo Bộ Công an, năm 2023, toàn quốc xảy ra gần 2.000 vụ tai nạn giao thông khiến gần 1.000 người chết, nguyên nhân chính do sử dụng rượu, bia. Bên cạnh đó, qua điều tra xã hội học cho thấy có hơn 50% số người phạm tội sử dụng rượu, bia trước khi gây án. Ngoài ra, lạm dụng rượu bia là nguyên nhân gây ra các bệnh nghiêm trọng như ung thư, tim mạch, rối loạn tâm thần... gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội.

Theo Ban an toàn giao thông tỉnh Bình Thuận, trong 5 tháng đầu năm 2024 (từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/5/2024), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 247 vụ tai nạn giao thông, làm chết 63 người, làm bị thương 234 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 46 vụ (tăng 22,9%), giảm 58 người chết (giảm 47,9%), tăng 122 người bị thương (tăng 108,9%). Phần lớn nguyên nhân xuất phát từ lỗi không đi đúng làn đường, không nhường đường, không quan sát và vi phạm nồng độ cồn,…

Mặc dù ngành chức năng đã và đang rất quyết liệt ngăn chặn các trường hợp tai nạn do nồng độ cồn nhưng ý thức chấp hành của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế, vẫn còn xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Cơ quan chức năng lập biên bản người dân vi phạm nồng độ cồn

Cơ quan chức năng lập biên bản người dân vi phạm nồng độ cồn

Qua quá trình tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội đã nhận được nhiều ý kiến xoay quanh về vấn đề vi phạm nồng độ cồn. Một số người dân cho rằng, việc siết chặt xử lý đã gây tổn thất kinh tế cho địa phương; nhiều quán ăn có kèm rượu, bia trên địa bàn tỉnh, các chủ doanh nghiệp bắt đầu “than trời” vì lượng khách giảm đáng kể, không đủ chi phí để trả tiền mặt bằng mỗi tháng nên mong muốn ngành chức năng cần có quy định về “vùng xanh” trong quá trình đo nồng độ cồn, giúp hồi phục kinh tế để duy trì hàng quán.

Tuy nhiên, một bộ người dân lại cho rằng, văn hóa ẩm thực Việt Nam không thể có “vùng xanh” bởi nhiều người có tính cả nể, được mời thì không thể từ chối. Chỉ cần một thời gian dài không thấy CSGT đứng chốt, những ma men lại uống và lái xe như trước, không phụ thuộc vào việc quy định có hay không có “vùng xanh”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có các loại hình dịch vụ về xe công nghệ nên người dân hoàn toàn có thể sử dụng những tiện ích này thay vì tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Từ đó sẽ hình thành thói quen “đã uống rượu, bia không lái xe”, không chỉ an toàn cho bản thân mà còn an toàn cho những người tham gia giao thông khác.

Chốt kiểm tra nồng độ cồn tại TP. Phan Thiết

Chốt kiểm tra nồng độ cồn tại TP. Phan Thiết

Tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải tiếp tục tập trung xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ việc phòng, chống tác hại của rượu bia đối với sức khỏe Nhân dân, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội.

Vì vậy, với nội dung kiến nghị của các cử tri, thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp thu và chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra nồng độ cồn đảm bảo khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn và đề nghị cử tri tỉnh Bình Thuận đồng thuận ủng hộ việc kiểm soát, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn để bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc, bảo vệ sức khỏe, thể lực, trí lực của Nhân dân.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bo-cong-an-tra-loi-cu-tri-binh-thuan-ve-vung-xanh-khi-do-nong-do-con-119719.html