Bộ Công an trả lời về vây thầu của bà Nguyễn Thị Loan, Tập đoàn Vimedimex
Về vụ án bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vimedimex, Chánh văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết sau khi UBND TP Hà Nội có quyết định cho huyện Đông Anh đấu thầu diện tích đất 49.000 m2 thì công ty này tiến hành các biện pháp vây thầu.
Biến chủng mới có ảnh hưởng tới kế hoạch mở lại đường bay quốc tế?
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2.12, trả lời báo chí về kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế tới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết việc mở các mở đường bay là nhu cầu thực tế, khách quan trong đại dịch này. Không chỉ riêng Việt Nam mà các quốc gia khác cũng xem xét mở lại chuyến bay quốc tế để phát triển kinh tế-xã hội, giao thương cũng như đi lại của kiều bào trong dịp Tết.
“Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 8.11. Trong đó đưa ra các quốc gia dự kiến, ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia có nhiều kết nối với chúng ta thì có 10 quốc gia khác. Ngoài ra, kế hoạch phân ra làm 3 giai đoạn khác nhau với lộ trình, tần suất và các biện pháp phòng chống dịch kèm theo đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách và đánh giá theo cầu của các thị trường đó”, ông Đông nói.
Đại diện Bộ GTVT cho biết Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các Bộ: Ngoại giao, Công an, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch… để hoàn thành kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Theo ông Đông, quyết định này trên cơ sở có điều kiện. Điều kiện mở chuyến bay thì phải xem xét các yếu tố như khả năng phòng chống dịch; tỷ lệ tiêm vắc xin cho người dân để miễn dịch cộng đồng; quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận của các quốc gia, đồng thuận về phương thức kiểm dịch của các quốc gia mà chúng ta kết nối. Hộ chiếu vắc xin là công cụ để chúng ta mở chuyến bay cũng như các biện pháp hành chính khác.
“Mở với quốc gia nào chúng ta phải có sự đồng thuận của quốc gia đó. Các hãng hàng không phải tuân thủ các quy định. Tóm lại, chúng ta tiếp tục trao đổi, thỏa thuận với các quốc gia trên cơ sở lộ trình chúng tôi đưa ra và quyết định trên cơ sở đồng thuận các quốc gia. Gần đây có thêm biến chủng mới của vi rút, đây là một biến động khiến tất cả các nước thận trọng hơn, xem xét, đánh giá kỹ”, ông Đông nói.
Theo ông Đông, tại kế hoạch đã trình, dự kiến từ tháng 12 hoặc từ đầu năm 2022 có thể có những chuyến bay nhưng do biến chủng mới, cần rà soát và tiếp tục làm việc với các quốc gia để có thể nối lại đường bay sớm nhất. Trên cơ sở làm việc, Bộ sẽ rà soát, báo cáo để Thủ tướng quyết định.
Có dấu hiệu vây thầu ở vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vimedimex
Tại họp báo, báo giới đề nghị đại diện Bộ Công an cung cấp thông tin kết quả điều tra ban đầu về 2 vụ án được dư luận xã hội quan tâm.
Thứ nhất là quyết định khởi tố, bắt tạm giam nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vì tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Thứ hai là việc khởi tố bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vimedimex cùng 7 người khác do liên quan đến nhiều sai phạm trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết trong công cuộc đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, lực lượng công an nhân dân thực hiện theo phương châm “quyết tâm, quyết liệt, chủ động, thường xuyên, liên tục”. Quan điểm là thượng tôn pháp luật, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và không oan sai, không có vùng cấm, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, rõ đến đâu thì xử lý đến đấy.
Đối với những vụ án tham nhũng mà dư luận bức xúc, đặc biệt là những người đứng đầu thuộc diện chức vụ cao hoặc có ảnh hưởng trong cộng đồng thì ngoài việc chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên trong quá trình tố tụng, trước khi cơ quan điều tra tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương đều họp và xem xét rất cẩn trọng các vụ việc.
Bộ trưởng Bộ Công an có yêu cầu cơ quan điều tra phải cá thể hóa trách nhiệm của người vi phạm trong vụ án rất rõ, xem có vi phạm không. Nếu quyết định đó của người đứng đầu vì dân, vì cái chung, không có tiêu cực thì sẽ được xem xét một cách thấu đáo. Nếu phát hiện có tiêu cực phải xử lý nghiêm minh và cân nhắc sử dụng các biện pháp tố tụng như bắt hay không bắt, bảo đảm tính nhân văn.
Ông Xô cho biết Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu Bộ Công an triển khai một số vụ làm trước; Bộ đã chọn trong năm vừa qua là các sai phạm trong lĩnh vực y tế, tiếp theo là sai phạm trong đấu thầu đất đai. Phương châm là xử lý vụ án để cảnh tỉnh cả một vùng hoặc lĩnh vực; lợi ích của người được hưởng là nhân dân.
Về vụ của ông Trương Quốc Cường, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận, cơ quan tố tụng đang tiếp tục làm việc.
Còn vụ việc của bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vimedimex. Đây là vụ đấu thầu đất đai, sau khi UBND TP Hà Nội có quyết định cho huyện Đông Anh đấu thầu diện tích đất 49.000m2, thì công ty này tiến hành các biện pháp vây thầu.
“Tức là cho tất cả các công ty con, cá nhân đi đấu thầu, dùng các biện pháp câu móc với các các cơ quan liên quan, giá đất lúc đó được xác định là 500 tỉ đồng nhưng hạ xuống còn 300 tỉ để vào thắng thầu. Trong khi 3 công ty vây thầu đều là của bà Loan có nhiệm vụ làm giảm các công ty cùng tham gia và loại ra. Qua 4 vòng đều cùng 1 giá và đều xin bỏ thầu. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ”, ông Xô nói.
Chưa rõ quy mô của chương trình chính sách tài khóa, tiền tệ
Trả lời về chương trình phục hồi kinh tế, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết theo kế hoạch, chương trình này sẽ được trình lên Quốc hội vào phiên họp bổ sung cuối năm nay.
Theo ông Phương, nội dung cơ bản, chương trình phục hồi gồm 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ gia đình, kích thích đầu tư công, cải cách hành chính.
“Là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ KH-ĐT cho rằng, 5 nhóm giải pháp này đã đủ mạnh và cơ bản bao quát hết các lĩnh vực cần hỗ trợ cũng như cấu trúc của nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh và phát triển sau khi kiểm soát được đại dịch”, ông Phương nói.
Liên quan đến "thời gian đủ dài" và "quy mô đủ lớn", về thời gian, Bộ KH-ĐT đã báo cáo Chính phủ thời gian áp dụng chương trình khoảng 2 năm, tập trung chủ yếu năm 2022 và 2023. Tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh và diễn biến của một số giải pháp sẽ phải kéo dài thêm.
Ví dụ như các dự án đầu tư công có quy mô lớn, điển hình là cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025. Đây là dự án có tổng mức đầu tư rất lớn và trong thời gian dài, do đó rất khó có thể thực hiện trong vòng 2 năm. Như vậy, thời gian sẽ gắn với mục tiêu phát triển và chủ yếu tập trung trong năm 2022, 2023.
Ông Phương cho hay trong 3 nội dung mà Thủ tướng Chính phủ nói về chương trình phục hồi, "giải pháp đủ mạnh, thời gian đủ dài, quy mô đủ lớn" có liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu như giải pháp đủ mạnh sẽ tốn kém chi phí, nếu kinh phí giới hạn thì thời gian sẽ phải kéo dài thêm, đây là mối quan hệ chặt chẽ giữa các yếu tố này.
“Rất tiếc hôm nay, tôi chưa thể trả lời báo chí về quy mô của chương trình chính sách tài khóa, tiền tệ vì chưa được các cấp có thẩm quyền thông qua. Tuy nhiên, có thể khẳng định, công cụ để thực hiện các giải pháp của chương trình phục hồi chủ yếu tập trung vào công cụ tài khóa và tiền tệ, kết hợp với các công cụ khác như huy động các quỹ ngoài ngân sách, quỹ của doanh nghiệp, sự tham gia của khu vực tư nhân...”, ông Phương nói.