Bộ Công Thương - 15 năm thành quả thực hiện Bình đẳng giới

Trong 15 năm qua, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương luôn nghiêm túc quán triệt, triển khai sâu rộng Luật Bình đẳng giới cũng như các Nghị định, Thông tư.

Nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và nam giới, khẳng định sự quan tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam, năm 2006, Quốc hội khóa XI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Bình đẳng giới. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2007.

Trong 15 năm qua, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã luôn nghiêm túc quán triệt, triển khai sâu rộng Luật Bình đẳng giới cũng như các Nghị định, Thông tư, chiến lược, quyết định, chỉ thị của Trung ương liên quan đến công tác bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ.

Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương luôn quan tâm chỉ đạo sát sao kịp thời, thường xuyên về việc thực thi Luật cũng như các chỉ đạo của Trung ương. Bộ đã thành lập Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Công Thương do một Thứ trưởng làm Trưởng ban, các thành viên là các lãnh đạo của nhiều Cục, vụ, đơn vị. Ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ cũng thành lập Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ.

Bộ Công Thương cũng đã ban hành hơn 25 văn bản các loại để chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ, công tác liên quan nhằm thực thi Luật, các chỉ đạo của Trung ương về công tác bình đẳng giới.

Hàng năm,Đảng ủy Bộ Công Thương cũng đã tổ chức quán triệt nội dung của Luật và Nghị quyết tới các tổ chức cơ sở Đảng, đồng thời chỉ đạo chính quyền, các tổ chức đoàn thể phổ biến; đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp cán bộ, công nhân viên chức người lao động về bình đẳng giới cũng như vì sự tiến bộ của phụ nữ gắn với từng chủ đề, lĩnh vực cụ thể hoặc lồng ghép với các công việc thường xuyên của đơn vị …

Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương luôn chú trọng nghiên cứu để tham gia, góp ý đối với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến bình đẳng giới, đảm bảo các nội dung liên quan đến bình đẳng giới bám sát chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Phối hợp chặt chẽ với các bộ và các cơ quan hữu quan trong xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới. Nghiêm túc thực hiện công tác thống kê, thông tin, chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất về bình đẳng giới.

Hàng năm, nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, Lãnh đạo Bộ Công Thương thường tổ chức gặp mặt, tặng quà cán bộ, công nhân viên chức, người lao động nữ

Hàng năm, nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, Lãnh đạo Bộ Công Thương thường tổ chức gặp mặt, tặng quà cán bộ, công nhân viên chức, người lao động nữ

Hàng năm, Ban cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ Công Thương đều có chỉ đạo Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Công Thương tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị ngành Công Thương trong việc thực thi Luật Bình đẳng giới và thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị.

Giai đoạn 2007 đến nay, Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra, khảo sát chuyên đề nội dung bình đẳng giới trên 50 lượt đơn vị thuộc Bộ. Ngoài ra, trong chương trình thanh tra kiểm tra hằng năm về chuyên môn nghiệp vụ, nội dung bình đẳng giới cũng được lồng ghép nhằm hướng dẫn các đơn vị triển khai thi hành Luật và các chương trình, mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới, kịp thời nắm bắt tình hình thực hiện, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến bình đẳng giới. Do đó, các đơn vị thuộc Bộ không có xảy ra sai phạm trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Về công tác đảm bảo thực hiện các quy định về bình đẳng giới trong công tác tổ chức tại cơ quan, đơn vị như đề bạt, bổ nhiệm, đào tạo; đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là lao động nữ đã được thường xuyên quan tâm từng năm, từng giai đoạn với mục tiêu rõ ràng, cụ thể.

Đơn cử như Quyết định 1555/QĐ-BCT ngày 10/6/2021 về việc ban hành Kế hoạch của Bộ Công Thương thực hiện Chương trình quốc gia về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu mục tiêu đến năm 2025: “Tối thiểu 50% người bị bạo lực trên cơ sở giới tìm kiếm sự trợ giúp từ cơ quan, đơn vị, được tiếp cận với các cán bộ, nhân viên tư vấn, hỗ trợ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; 100% trường hợp có nhu cầu trợ giúp về bạo lực trên cơ sở giới được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau”.

Hay tại Quyết định số 1947/QĐ-BCT ngày 10/8/2021 về việc ban hành Kế hoạch của Bộ Công Thương thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Bộ đã đề ra 6 mục tiêu cụ thể như:

Thứ nhất, đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ; Tỷ lệ nữ thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đạt 15% vào năm 2025 và 20% vào năm 2030; 100% các cơ quan, đơn vị thực hiện quy hoạch cán bộ đảm bảo đủ cơ cấu, tỷ lệ nữ.

Thứ hai, đảm bảo tỷ lệ lao động nữ được tuyển dụng mới đạt từ 50% trở lên; Đảm bảo tỷ lệ lao động nữ được bố trí, sử dụng đúng nguyện vọng, sở trường lĩnh vực công tác đạt 80% trở lên.

Thứ ba, tối thiểu 50% người bị bạo lực trên cơ sở giới tìm kiếm sự trợ giúp từ cơ quan, đơn vị, được tiếp cận với các cán bộ, nhân viên tư vấn, hỗ trợ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; 100% trường hợp có nhu cầu trợ giúp về bạo lực trên cơ sở giới được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau.

Thứ tư, đến năm 2025 đạt 80% người lao động trong độ tuổi sinh sản được tiếp cận, tư vấn về sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính; Đảm bảo 100% người lao động được chăm sóc sức khỏe và sử dụng các dịch vụ y tế.

Thứ năm, phấn đấu đạt 100% nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống các trường thuộc Bộ, từ năm 2025 trở đi; Đảm bảo 100% cán bộ nữ trong quy hoạch được tham gia đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ lý luận chính trị và các trình độ chuyên môn khác; Tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt không dưới 50% từ năm 2025 trở đi. Tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.

Thứ sáu, phấn đấu đạt 60% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên ngành Công Thương được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới; 100% tổ chức Đảng, chính quyền, đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc Bộ, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới; Các cơ quan lĩnh vực báo chí, xuất bản thuộc Bộ có ít nhất mỗi tháng 01 tin, bài về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin của Bộ và trang thông tin cơ sở; 100% thực hiện lồng ghép chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong các hội nghị giao ban chuyên môn.

Công tác bình đẳng giới luôn được Bộ Công Thương quan tâm thực hiện

Công tác bình đẳng giới luôn được Bộ Công Thương quan tâm thực hiện

Công tác tuyên truyền, giáo dục về giới và pháp luật về bình đẳng giới cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Công Thương cũng được xây dựng với nhiều nội dung thiết thực, hình thức đa dạng, phong phú dễ hiểu, dễ tiếp cận.

Thông qua các chương trình sơ kết, tổng kết, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, đánh giá, khen thưởng và đề nghị các Bộ ngành khen thưởng 72 lượt tập thể và 175 lượt cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Trong từng lĩnh vực cụ thể, Bộ Công Thương đều ban hành các quy định, hướng dẫn triển khai các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực quản lý với mục tiêu cụ thể. Điển hình như Nghị quyết số 26-NQ/BCSĐ ngày 17 tháng 12 năm 2021 của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới đã đề ra các mục tiêu cụ thể: “- 100% tổ chức đảng, chính quyền, đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc Bộ, đoàn thể các cấp phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới; - Đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ; - Tỷ lệ nữ thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đạt 15% vào năm 2025 và 20% vào năm 2030; - 100% nữ cán bộ trong quy hoạch được tham gia đào đạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ lý luận chính trị và các trình độ chuyên môn khác”.

Với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, cùng nhiều biện pháp hiệu quả, công tác bình đẳng giới của Bộ Công Thương đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2011-2016, Bộ Công Thương có 01 nữ Thứ trưởng/trên tổng số 07 Lãnh đạo Bộ đạt 14,28%.

Tính đến 31/7/2021, tổng số cán bộ lãnh đạo của 85 đơn vị trực thuộc có 264 đồng chí, trong đó nam là 199 chiếm 75,38% và nữ là 65 chiếm 24,62%.

Số lượng nữ ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025: 12/38 đạt tỷ lệ: 31,58%; trong đó nữ ủy viên Ban Thường vụ: 02/09 đồng chí đạt tỷ lệ 22,22%.

Nữ ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn ngành Công Thương nhiệm kỳ 2020 - 2025: 10/21 đồng chí đạt tỷ lệ 47, 61%; trong đó nữ ủy viên Ban Thường vụ: 04/07 đồng chí đạt tỷ lệ: 57, 14%

Về công tác quy hoạch cán bộ với chức danh Thứ trưởng giai đoạn 2021-2026 có 02/17 đồng chí là nữ đạt tỷ lệ 11,76%. Tại các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ Công Thương, có 239 nữ cán bộ được quy hoạch trong tổng số 761 cán bộ, chiếm 31,41%%.

Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương luôn quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và cán bộ nữ nói riêng thông qua việc cử cán bộ công chức nữ tham gia lớp đào tạo, bồi dưỡng các loại hình đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, đúng đối tượng, vị trí.

Đặc biệt, về đào tạo lý luận chính trị: Giai đoạn T8/2007 đến nay, Bộ Công Thương tiến hành cử 657 lượt cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý danh nghiệp đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị (trong đó nữ là 136 người, chiếm gần 20,7%); từ 2018 đến nay, cử 205 công chức đi đào tạo Trung cấp lý luận chính trị (trong đó nữ là 93 người, chiếm 45,36%).

Những năm qua, Bộ Công Thương có hàng trăm đề tài khoa học được bảo vệ thành công và ứng dụng vào thực tiễn trong đó có nhiều đề tài do phụ nữ làm chủ nhiệm. Trong khối sự nghiệp, nữ giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường, viện thuộc Bộ đã có nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học đã được bảo vệ thành công và ứng dụng vào thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy tại đơn vị.

Thương phối hợp Công đoàn Công Thương Việt Nam, Công đoàn Bộ Công Thương thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, tổ chức Công đoàn cơ sở giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức, ý thức của người lao động về giá trị văn hóa gia đình, giới thiệu và lan tỏa các tấm gương, các mô hình tiêu biểu; tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình cho trên 100.000 lượt cán bộ công chức, viên chức người lao động.

Đặc biệt, nhiều đơn vị xây dựng thư viện, tủ sách pháp luật như Vụ Pháp chế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Trường Đại học Điện lực, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Tập đoàn CN Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất…, người lao động được tiếp cận thư viện để tìm hiểu và được tư vấn về pháp luật và chế độ chính sách.

Bên cạnh đó, các đơn vị đều tổ chức các hoạt động phong trào thi đua như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình văn hóa, nề nếp”…

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ vẫn còn 1 số những tồn tại hạn chế như: Các quy định trong Luật Bình đẳng giới còn chung chung, khó áp dụng trong thực tiễn, Một số quy định chưa có văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với Bộ Công Thương, tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo chưa đáp ứng theo tỷ lệ Nghị quyết số 11-NQ/TW. Cụ thể: 0% nữ Lãnh đạo Bộ, quy hoạch chức danh Thứ trưởng giai đoạn 2021-2026 có 02/17 đồng chí là nữ đạt tỷ lệ 11,76%; đơn vị chưa có cán bộ lãnh đạo là nữ còn chiếm tỷ lệ cao 40% trong tổng số các đơn vị thuộc Bộ. Đối chiếu với mục tiêu của Nghị Quyết số 11-NQ/TW và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vẫn còn là một khoảng cách khá lớn.

Qua 15 năm triển khai, từ thực tiễn, Bộ Công Thương cũng đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Theo đó, để đạt được hiệu quả của Luật Bình đẳng giới, có 3 yếu tố rất quan trọng, cụ thể là:

Thứ nhất, cần thay đổi hình thức, phạm vi, cách tiếp cận đối tượng để hoạt động truyền thông về bình đẳng giới đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ hai, sự cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ luôn đóng vai trò quan trọng và hàng đầu; là tiền đề cơ bản để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác bình đẳng giới.

Thứ ba, để bảo đảm hiệu quả của công tác bình đẳng giới cần có sự đầu tư bài bản cả về nhân lực và vật lực. Bên cạnh việc bố trí nhân sự truyên trách có trình độ, có năng lực, cần đảm bảo đủ kinh phí để hoạt động bình đẳng giới phát huy hiệu quả.

Có thể nói, sau 15 năm triển khai Luật Bình đẳng giới, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương thông qua các chỉ thị, nghị quyết, sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đơn vị thuộc Bộ thông qua các nhiệm vụ chính trị gắn liền với hoạt động chuyên môn, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên ngành Công Thương đã được cải thiện rõ rệt.

Trong 08 lĩnh vực của đời sống, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quy định tại Luật Bình đẳng giới cũng được Bộ Công Thương triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào thành công chung của Bộ/ngành Công Thương. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Bộ Công Thương tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ trong giai đoạn tiếp theo.

Đình Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-15-nam-thanh-qua-thuc-hien-binh-dang-gioi-223904.html