Bộ Công Thương: Bán dự án điện mặt trời cho nước ngoài là bình thường
Bộ Công Thương cho rằng đây là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và cần được khuyến khích để mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn.
Theo Bộ Công Thương tính đến hết ngày 11/5, có 92 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời và 10 dự án hoặc một phần dự án điện gió với tổng công suất gần 6.000 MW đi vào vận hành thương mại.
Tuy nhiên, một số dự án đã được nhà đầu tư trong nước chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ cho nhà đầu tư nước ngoài từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore...
Theo nhận định của Bộ Công Thương, đây là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và đã được cho phép theo quy định pháp luật. Thậm chí, việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia còn được xem là tín hiệu tốt trong việc thu hút đầu tư đối với ngành điện.
Bộ cho rằng các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới ít khi trực tiếp phát triển dự án để tránh và giảm các rủi ro cũng như thời gian và chi phí khi giải phóng mặt bằng hay xin phê duyệt của chính quyền, đối tác địa phương, trung ương.
Trong khi đó, nhà đầu tư trong nước hiểu hơn về luật pháp, chính sách trong nước, nên sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi chuẩn bị đầu tư.
Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tốt về vốn, công nghệ, kinh nghiệm đầu tư, vận hành nhà máy... Do đó, sự kết hợp giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn.
Liên quan đến vấn đề giá FIT điện mặt trời, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) khẳng định mức giá hiện nay là hấp dẫn với nhà đầu tư chứ không cao. Cơ quan này viện dẫn, từ năm 2017 đến nay, giá FIT đã lần lượt giảm từ 9,35 cent/kWh xuống còn 7,09 cent/kWh (đối với điện mặt trời mặt đất).
Thông qua chính sách này, hiện có gần 6.000 MW điện năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành, giảm lượng điện chạy dầu giá cao và chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển bền vững.
Hiệu quả thu hút đầu tư vào điện năng lượng tái tạo cũng đã góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và dịch vụ về điện mặt trời, khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, có hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp, đồng thời thu hút lượng vốn xã hội lớn vào hạ tầng ngành điện.
Mặc dù vậy, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng cho rằng cơ chế FIT còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, các dự án tập trung phát triển tại khu vực có tiềm năng tốt nên dẫn đến quá tải lưới điện tại một số vùng, gia tăng cạnh tranh về đất đai. Bên cạnh đó, giá điện FIT khó có thể phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi giá công nghệ của thị trường, gây ra sự phát triển “nóng” ngoài mong muốn.
Do đó, trong giai đoạn tới, khi thị trường và công nghệ năng lượng tái tạo trong nước phát triển, có thể cạnh tranh với năng lượng truyền thống, Việt Nam sẽ chuyển sang cơ chế mới để khắc phục những hạn chế này. Hiện Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất áp dụng cơ chế đấu thầu cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo thay thế cơ chế FIT.