'Nóng' đường sắt tốc độ cao; bất ngờ tiền người dân gửi ngân hàng mỗi ngày

67 tỷ USD đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; nợ xấu đang có xu hướng gia tăng; ngân hàng SCB giảm chuyển tiền, dừng dịch vụ khách vip; người dân gửi ngân hàng gần 2.900 tỷ đồng mỗi ngày, giá vàng nhẫn lao dốc mạnh... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

67 tỷ USD đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Tự chủ, tránh lệ thuộc

Sau 14 năm kể từ khi Quốc hội biểu quyết không thông qua, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lại được đặt đưa vào nghị trường, các đại biểu thảo luận sôi nổi sáng 13/11.

Khác với năm 2010, mối quan tâm hàng đầu của các đại biểu không phải ở con số hàng chục tỷ USD, nỗi lo nợ công, mà là vấn đề chuyển giao công nghệ nhằm tự chủ, từ đó “kích hoạt” ngành công nghiệp đường sắt trong nước phát triển.

"Vấn đề quan trọng không phải là vốn, nợ công mà là chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ, để từ dự án này, chúng ta sẽ “kích hoạt” phát triển được ngành công nghiệp đường sắt trong nước, từ đó chủ động triển khai xây dựng”, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nói với PV Tiền Phong.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh khi trình bày báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Theo ông Thắng, so với năm 2010 - thời điểm mà Quốc hội chưa thông qua, bối cảnh quy mô nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định doanh nghiệp Việt Nam đảm đương và làm chủ dự án. Ảnh: Như Ý.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định doanh nghiệp Việt Nam đảm đương và làm chủ dự án. Ảnh: Như Ý.

Cụ thể, quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện đã tăng gấp 3 lần so với 14 năm trước, nợ công chỉ còn ở mức 37% GDP (thấp hơn so với mức 56,6% vào năm 2010). “Nguồn lực để đầu tư dự án không còn là trở ngại lớn”, ông Thắng nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề trên, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường nhắc đi, nhắc lại các bài học ở dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM. Theo ông, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội và Bến Thành - Suối Tiên do không chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn nên mỗi nơi một khác, dẫn đến bị lệ thuộc, gặp nhiều vướng mắc.

“Nếu không làm chủ được công nghệ, không xây dựng được ngành công nghiệp đường sắt thì chẳng lẽ sau này, mỗi một dự án, mỗi tuyến chúng ta lại phải đi mua và lệ thuộc vào công nghệ của từng nước hay sao? Chúng ta bỏ ra 67 tỷ USD để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao mà không bắt buộc chuyển giao công nghệ thì sẽ tạo gánh nặng cho thế hệ mai sau”, ông Cường nói.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: 'Nợ xấu đang có xu hướng gia tăng'

Tại phiên chất vấn sáng 11/11, đại biểu Trần Hồng Nguyên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đặt câu hỏi với Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng về vấn đề nợ xấu: Thống đốc đánh giá thế nào về nợ xấu, giải pháp nào để giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Nếu không giảm được thì việc điều hành tiền tệ gặp khó khăn ra sao?

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Như Ý.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Như Ý.

Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu, tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng gia tăng. Cụ thể, theo số liệu tổng hợp, tới cuối tháng 9/2024, nợ xấu ở mức 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023, tăng so với mức 2% của năm 2022.

Theo bà Hồng, đây là thực tế, bởi từ 2020 đến nay, do tác động của đại dịch COVID-19, người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, giảm nguồn thu, khó khăn trong trả nợ.

Thống đốc Hồng nêu, để kiểm soát nợ xấu, có nhiều giải pháp từ các chủ thể. Trong đó, các tổ chức tín dụng phải thẩm định kỹ khả năng trả nợ của khách hàng. Với những nợ xấu, cần tích cực đôn đốc xử lý, phát mãi tài sản...

Bà Hồng nêu, với nợ xấu tăng như hiện nay, sẽ khó giảm lãi suất cho vay, bởi tổ chức tín dụng vẫn phải trả lãi cho tiền huy động của người dân. Theo chỉ đạo, các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho doanh nghiệp, người dân. Thời gian qua, các ngân hàng đã miễn, giảm 50.000-60.000 tỷ đồng lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng.

Ngân hàng SCB giảm chuyển tiền, dừng dịch vụ khách vip

Ngân hàng SCB vừa thông báo điều chỉnh hạn mức giao dịch chuyển tiền nhanh Napas 247 dành cho Khách hàng cá nhân.

Theo đó, hạn mức giao dịch chuyển tiền nhanh Napas 247 của mỗi khách hàng cá nhân tối đa là 50 triệu đồng/lần/ngày/khách hàng, áp dụng cho kênh giao dịch tại quầy và kênh SCB eBanking.

Thông báo mới của Ngân hàng SCB liên quan đến khách hàng (ảnh N.M).

Thông báo mới của Ngân hàng SCB liên quan đến khách hàng (ảnh N.M).

Đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh áp dụng phương thức xác thực vân tay/Face ID, khách hàng được chuyển tối đa 2 triệu đồng/lần và tối đa 50 triệu/ngày.

Với các giao dịch chuyển tiền nhanh xác thực qua SMS OTP, Soft OTP/Token Keypass, hạn mức tối đa là 50 triệu đồng/lần và tối đa 50 triệu đồng/ngày.

Ngoài điều chỉnh hạn mức giao dịch chuyển tiền nhanh Napas 247, các hạn mức giao dịch khác vẫn áp dụng theo quy định SCB trong từng thời kỳ.

Đây là lần thứ năm ngân hàng này thay đổi hạn mức chuyển tiền nhanh Napas 247, trong vòng chưa đầy 3 tháng.

Kỷ lục: Người dân gửi ngân hàng gần 2.900 tỷ đồng mỗi ngày

Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư tính đến hết tháng 8 đạt hơn 6,92 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023.

So với cuối tháng 7, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư đến cuối tháng 8 tăng thêm 86.475 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính bình quân theo ngày, trong tháng 8, mỗi ngày có gần 2.900 tỷ đồng của người dân được gửi vào ngân hàng.

Gửi tiết kiệm của người dân tại các ngân hàng đến cuối tháng 8 đạt hơn 6,92 triệu tỷ đồng.

Gửi tiết kiệm của người dân tại các ngân hàng đến cuối tháng 8 đạt hơn 6,92 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, lượng tiền gửi từ các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tại các ngân hàng đạt hơn 6,8 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm trước.

Tuy nhiên, trong 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8, tiền gửi của doanh nghiệp và tổ chức kinh tế đang có xu hướng quay trở lại hệ thống ngân hàng.

Chẳng hạn, ở thời điểm cuối tháng 7, lượng tiền mà doanh nghiệp và tổ chức kinh tế gửi thêm vào ngân hàng là 69.586 tỷ đồng.

Tổng lượng tiền gửi tiết kiệm của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đến cuối tháng 8 đạt kỷ lục hơn 13,76 triệu tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

Lượng tiền tiết kiệm được người dân gửi vào ngân hàng đã tăng liên tiếp trong suốt 2 năm nay.

Giá vàng nhẫn lao dốc mạnh

Trong tuần qua đã chứng kiến giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới.

Đơn cử, sáng 15/11, Tập đoàn Doji niêm yết giá nhẫn tròn 79,8 - 82,1 triệu đồng/lượng, giảm 1,1 triệu đồng/lượng so với sáng qua.

Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 80,12 - 82,22 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 960.000 đồng.

Công ty vàng Phú Quý niêm yết giá vàng nhẫn 80,1 - 82,1 triệu đồng/lượng, giảm 1,1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn giảm mạnh và nhanh hơn vàng miếng SJC.

Giá vàng nhẫn giảm mạnh và nhanh hơn vàng miếng SJC.

Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn nối dài chuỗi ngày giảm mạnh và nhanh hơn vàng miếng SJC.

Giá vàng miếng SJC cũng được các doanh nghiệp giảm nửa triệu đồng/lượng về mốc 83,5 triệu đồng/lượng. So với cách đây 2 tuần, giá vàng miếng SJC giảm 6,5 triệu đồng/lượng.

Bộ Lao động báo cáo Thủ tướng lịch nghỉ Tết 9 ngày liên tiếp

Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ làm rõ phương án đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày liên tục đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (gọi tắt là công chức, viên chức).

Nếu được Thủ tướng chấp thuận phương án do Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thì Tết Âm lịch 2025 công chức, viên chức sẽ được nghỉ 9 ngày.

Nếu được Thủ tướng chấp thuận phương án do Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thì Tết Âm lịch 2025 công chức, viên chức sẽ được nghỉ 9 ngày.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo nghiên cứu, làm rõ phương án nghỉ Tết.

Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong dịp tết Âm lịch là 5 ngày.

Cùng với đó, Điều 1 Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg quy định chế độ tuần làm việc đối với công chức, viên chức là 40 giờ trong 5 ngày, nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần đối với công chức, viên chức.

Theo đó, phương án Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất tại công văn số 5152/LĐTBXH-CATLĐ dịp nghỉ tết Âm lịch công chức, viên chức được nghỉ 5 ngày liên tục trong 1 tuần từ thứ Hai ngày 27/1/2025 (28 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết thứ Sáu 31/1/2025 (mùng 3 tháng Giêng năm Ất Tỵ) là đúng quy định của Bộ luật Lao động và các quy định của Chính phủ.

Duy Phạm

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nong-duong-sat-toc-do-cao-bat-ngo-tien-nguoi-dan-gui-ngan-hang-moi-ngay-post1692201.tpo