Bộ Công Thương ban hành kế hoạch hành động phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên
Bộ Công Thương đã đề ra kế hoạch, phương hướng phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên theo tinh thần Nghị quyết số 152/NQ-CP của Chính phủ.
Trên tinh thần thực hiện Nghị quyết số 152/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 152), Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với nhiều phương án, hành động cụ thể, thiết thực.
Theo đó, Bộ Công Thương đã đề ra các kế hoạch cụ thể, chi tiết để các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện.
Đối với Cục Công nghiệp, nhiệm vụ là ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm; phát triển ngành cơ khí phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông, lâm sản.
Chú trọng tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, đặc biệt là sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê tại tiểu vùng Trung Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk).
Đồng thời, chú trọng vào phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm tại tiểu vùng Nam Tây Nguyên (tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông).
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo có nhiệm vụ duy trì phát triển ổn định, bền vững thủy điện; tăng cường thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ phát triển và lưu trữ năng lượng tái tạo; nghiên cứu khả năng cung cấp điện tại chỗ để phát triển ngành luyện kim nhôm.
Cụ thể, đơn vị có trách nhiệm duy trì công nghiệp thủy điện, phát triển năng lượng tái tạo đối với tiểu vùng Bắc Tây Nguyên (tỉnh Gia Lai và Kon Tum). Tập trung phát triển năng lượng tái tạo đối với tiểu vùng Trung Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk). Khuyến khích thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo phù hợp với quy hoạch vùng, địa phương. Đặc biệt là công tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ số trong năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo có trách nhiệm xây dựng Đề án “Tăng cường thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ phát triển và lưu trữ năng lượng tái tạo vùng Tây Nguyên (trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023).
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số ưu tiên nguồn lực đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử vùng Tây Nguyên.
Nhiệm vụ của Cục Xúc tiến thương mại là tập trung xây dựng một số thương hiệu sản phẩm quốc gia như cao su, sầu riêng, bơ, hồ tiêu.
Trách nhiệm của Vụ thị trường trong nước là hình thành và phát triển các hình thức tổ chức thị trường hiện đại như Sở giao dịch hàng hóa cho các sản phẩm chủ lực của vùng. Đặc biệt là hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương tập trung phát triển các trung tâm logistics tại tiểu vùng Trung Tây Nguyên (tỉnh Đăk Lăk).
Để hoàn thành tốt những kế hoạch trên, Bộ Công Thương cũng có những phương án tổ chức thực hiện quản lý, phân cấp, phân quyền cụ thể.
Theo đó, các đồng chí Thứ trưởng theo lĩnh vực phụ trách, bám sát các mục tiêu, yêu cầu thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kế hoạch hành động, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các Đơn vị chức năng được giao phụ trách triển khai thực hiện; bám sát cơ sở, tăng cường làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ giao cho ngành Công Thương; chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về kết quả thực hiện.
Thủ trưởng của cơ quan đơn vị thuộc Bộ (Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) có trách nhiệm tổ chức thực hiện những nhiệm vụ và nội dung công tác thuộc lĩnh vực được giao, bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ, thời hạn yêu cầu; tham mưu, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể điều hành trong lĩnh vực phụ trách, kip thời báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền; chịu trách nhiệm toàn diện trước Lãnh đạo Bộ về kết quả thực hiện.
Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; định kỳ hằng năm tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính của Bộ Công Thuơng trước ngày 05 tháng 12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Nghị quyết.
Có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bên liên quan trong tham mưu, đề xuất giải pháp, biện pháp cụ thể điều hành các ngành, lĩnh vực và địa bàn được phân công phụ trách, kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ những vấn đe phát sinh trong quá trình thực hiện.
Giao Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc, theo dõi, đánh giá, kiểm tra tình hình thực hiện Kế hoạch hành động: Văn phòng Bộ chủ trì phối hợp với các đơn vị truyền thông thuộc Bộ, các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Kế hoạch hành động này.