Bộ Công Thương bắt đầu tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu
Hồ sơ yêu cầu rà soát biện pháp chống bán phá giá phải được điền đầy đủ và nộp trực tiếp tới Cục Phòng vệ thương mại trước 17h00 ngày 21/10/2020 (theo giờ Hà Nội).
Ngày 21/10/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3162/QĐ-BCT về kết quả rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội có xuất xứ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc) nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, quyết định tiếp tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm này.
Ngày 20/8/2020, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương chính thức thông báo tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát biện pháp chống bán phá giá nói trên.
Tại thông báo, Cục Phòng vệ thương mại trích dẫn, Điều 82 (1) (a) Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 quy định: “sau 01 năm kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ trưởng Bộ Công Thương có quyền quyết định rà soát vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo đề nghị của một hoặc nhiều bên liên quan trong vụ việc điều tra và trên cơ sở xem xét các bằng chứng do bên đề nghị cung cấp”.
Điều 58 (1) Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định: “trong thời hạn 60 ngày trước khi kết thúc 01 năm kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức hoặc quyết định mới nhất về kết quả rà soát biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, các bên liên quan theo quy định tại Điều 59 của Nghị định này có thể nộp Hồ sơ yêu cầu rà soát, trừ trường hợp thời hạn nộp hồ sơ ít hơn 09 tháng tính đến thời hạn Bộ trưởng Bộ Công Thương phải quyết định có tiến hành rà soát cuối kỳ biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay không”
Do vậy, các bên liên quan theo quy định tại Điều 74 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 có quyền nộp hồ sơ yêu cầu rà soát theo hướng dẫn.
Phạm vi đề nghị rà soát bao gồm nhưng không giới hạn bởi các nội dung: (i) Phạm vi hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp chống bán phá giá; (ii) Biên độ bán phá giá đang áp dụng đối với một hoặc một số doanh nghiệp nước ngoài cụ thể; (iii) Thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Sau khi kết thúc thời hạn rà soát, căn cứ vào kết luận điều tra, Cục Phòng vệ thương mại sẽ kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương một trong các phương án:
- Tiếp tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo quy định hiện hành; và/hoặc
- Điều chỉnh biện pháp chống bán phá giá tương ứng với kết quả rà soát; hoặc
- Chấm dứt việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Việc tiến hành các thủ tục liên quan đến quá trình rà soát sẽ không gây cản trở tới việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đang có hiệu lực. Hiện nay, mức thuế chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội của Trung Quốc là 17,94% - 31,85%; của Malaysia là 11,09% - 22,69%; của Indonesia là 10,91% - 25,06%; của Đài Loan (Trung Quốc) là 37,29%. Mức thuế này có hiệu lực từ 26/10/2019 và sẽ kéo dài 5 năm nếu không có thay đổi.
Hồ sơ yêu cầu rà soát biện pháp chống bán phá giá phải được điền đầy đủ và nộp trực tiếp tới Cục Phòng vệ thương mại trước 17h00 ngày 21/10/2020 (theo giờ Hà Nội). Hồ sơ được nộp sau 17h00 theo dấu công văn đến của Cục Phòng vệ thương mại và/hoặc theo email có thể sẽ không được chấp nhận.