Bộ Công thương cảnh báo 'Mô hình nghỉ dưỡng dài hạn'

Chiều 30-7, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công thương) đã có thông tin gửi đại diện các cơ quan báo chí về việc khuyến cáo người dân cần lưu ý khi tham gia mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng có tên gọi 'hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ'.

 Du lịch biển. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Du lịch biển. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Theo đại diện Bộ Công thương, mô hình này thời gian qua có rất nhiều tên gọi na ná nhau. Các hợp đồng kinh doanh nghỉ dưỡng dài hạn (thường có thời hạn hợp đồng từ vài năm đến vài chục năm) xuất hiện dưới các tên gọi như “hợp đồng nghỉ dưỡng”, “hợp đồng dịch vụ tuần nghỉ hạnh phúc”, “hợp đồng kỳ nghỉ gia đình”, “hợp đồng mua bán thẻ du lịch”...

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thì mô hình này có thể gây ra một số rủi ro. Hình thức tiếp cận, chào mời khách hàng tham gia dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn phổ biến tại các doanh nghiệp là tổ chức sự kiện để tặng quà, tặng kỳ nghỉ miễn phí và khảo sát nhu cầu du lịch của người dân (đặc biệt là người cao tuổi). Tại đây, các công ty sử dụng nhiều chiến lược bán hàng tinh vi, bài bản khiến nhiều người dân đặt cọc, ký kết hợp đồng một cách vội vàng ngay cả khi chưa được cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm...

Theo phản ánh của người dân, các chiến lược này thường áp dụng các hình thức: tặng phiếu giảm giá, tặng kỳ nghỉ miễn phí; thổi phồng, thậm chí thông tin không đúng sự thật về lợi ích nghỉ dưỡng, cơ hội đầu tư hấp dẫn; che giấu một số thông tin quan trọng như nghĩa vụ của bên mua, các loại phí phát sinh, điều khoản bất lợi trong hợp đồng…

Khi nhận ra sản phẩm trên thực tế không đúng nguyện vọng như mua để đầu tư sinh lời nhưng không chuyển nhượng được cho bên thứ ba; mua để có các kỳ nghỉ lý tưởng với gia đình nhưng yêu cầu về thời gian đặt phòng trước quá khắt khe) cũng như nhận ra các bất lợi, rủi ro từ giao dịch đã xác lập, người dân yêu cầu bên bán chấm dứt hợp đồng, hoàn trả tiền nhưng không được chấp nhận.

Ngoài ra còn rất nhiều “chiêu trò” đầy rủi ro, bất trắc như: bên bán thiết kế nội dung giao dịch tiềm ẩn rủi ro cho bên mua; bên bán không hề sở hữu khu nghỉ dưỡng nhưng vẫn cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn và thu toàn bộ giá trị hợp đồng của bên mua trước khi cung cấp dịch vụ.

Do đó, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyến cáo người dân trước khi quyết định tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm hoặc mô hình này, cần tìm hiểu kỹ thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, trước khi quyết định, cần yêu cầu cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng và nghiên cứu kỹ những vấn đề sau: so sánh thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng. Khi có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng thì người tiêu dùng cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung.

Ví dụ: mô tả dịch vụ được cung cấp, các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của khách hàng, của doanh nghiệp; điều khoản giá trị hợp đồng và các loại chi phí; điều khoản chấm dứt hợp đồng; điều khoản xử lý vi phạm…

Đặc biệt, cần phải xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng. Hầu hết các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hiện nay đều là hợp đồng có thời hạn dài và bên cạnh khoản phí cố định ngay từ đầu, người tiêu dùng sẽ còn phải đóng thêm nhiều khoản phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện (như phí duy trì, phí thường niên, phí quản lý, phí vận hành, phí thực hiện quyền trao đổi các địa điểm nghỉ dưỡng... Các khoản chi phí này có thể chỉ được ghi định trong hợp đồng mà không nêu ra trong thông tin quảng cáo, chào bán…

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bo-cong-thuong-canh-bao-mo-hinh-nghi-duong-dai-han-post751753.html